Hãng điện thoại Hàn Quốc tăng trưởng 15% về lợi nhuận, nhưng doanh số tiêu thụ thực tế vẫn thấp hơn dự đoán của giới phân tích.
Thời gian qua thực sự là khoảng thời gian thăng trầm đối với Samsung. Hãng này vươn lên chiếm giữ vị trí số 1 thị trường sau thành công của Galaxy S3 năm 2012. Người dùng ưa chuộng những con dế đầu bảng mà Samsung tung ra, giúp hãng có được chuỗi 5 quý liền đạt lợi nhuận kỷ lục.
Thế nhưng khi sự hào hứng nguội đi - thị trường smartphone dần bão hòa thì Samsung cũng đuối sức. Ngay cả Apple, ông vua của làng smartphone, cũng bắt đầu không cưỡng lại xu thế chung được nữa. Trong quý tài chính đầu tiên của năm 2016 này, doanh số tiêu thụ của iPhone cơ bản là giậm chân tại chỗ so với cùng kỳ. Tệ hơn nữa, Apple dự đoán lượng bán ra của iPhone trong quý II sẽ đi xuống - lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của con dế này.
Công bố báo cáo tài chính quý sau Apple chỉ đúng một ngày, Samsung cho biết doanh thu của hai mảng vi xử lý và màn hình đã giúp hãng đạt lợi nhuận 6,14 nghìn tỷ won (5.1 tỷ USD) trong quý IV, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Nhưng sự bật dậy này còn đáng hoan hô hơn, bởi một năm trước, mức lợi nhuận của Samsung là sụt giảm 36% so với cùng kỳ 2013.
Tuy vậy, hãng điện thoại Hàn Quốc vẫn tỏ ra thận trọng. Hãng dự đoán thách thức vẫn còn tiếp diễn trong năm 2016 và sức cầu dành cho công nghệ, điện thoại vẫn đang chậm dần đều. Giá bán smartphone ngày càng rẻ và ngay cả những model cơ bản giờ đây cũng có thể lướt web, chơi game, nghe nhạc trên màn hình cảm ứng phân giải đủ tốt. Nhiều thương hiệu TQ có thể tung ra những sản phẩm với cấu hình không thua Samsung là mấy trong khi giá bán chỉ bằng phân nửa.
Tất cả những điều này đều được phản ánh vào trong kết quả kinh doanh của mảng di động, khi lợi nhuận tăng 13% nhưng doanh số lại giảm 3%. Hiện di động chỉ còn đóng góp khoảng 36% tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn, giảm đáng kể so với cơ cấu 2/3 mà nó từng đảm nhận trong quá khứ.
Samsung đang rất nỗ lực cải thiện tình hình. Tháng 11 vừa qua, hãng này thay đổi dàn lãnh đạo của mảng di động - một động thái được cho là để dồn lực vào dịch vụ và phần mềm trong thời gian tới. Đây vốn là một điểm yếu cố hữu của Samsung so với các đối thủ như Apple.
Tuy nhiên, chiến lược này thành công đến đâu thì vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Samsung sử dụng Android trong hầu hết smartphone và tablet của mình, còn hệ điều hành cây nhà lá vườn Tizen vẫn trầy trật trong việc tìm chỗ đứng. Nhiều dịch vụ mà Samsung tự phát triển như Media Hub và Milk Video đã bị khai tử vì chẳng có người dùng.
Trong lúc chờ đợi, Samsung vẫn phải trông cậy lợi nhuận và doanh thu vào các mảng đang làm ăn phát đạt như TV, vi xử lý. Hiện Samsung là hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới và chip xử lý di động lớn thứ hai thị trường. Hãng cũng đang cung cấp linh kiện và vi xử lý cho đại địch Apple.
Ngoài ra, tablet cũng bất ngờ khởi sắc khi doanh số Galaxy Tab A và Tab S2 tăng lên 9 triệu máy trong quý mới nhất - một thành tích ấn tượng khi ngay cả iPad cũng sụt giảm 25% lượng tiêu thụ trong cùng khoảng thời gian.
T.C