Liên tục thúc giải ngân dòng vốn 30 tỷ USD

Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020... là những dự án đầu tư công được rục rịch từ lâu, nhưng đến nay hình hài vẫn còn chưa rõ. Các công việc vẫn chậm trễ, đụng đâu cũng vướng.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư toàn xã hội có khả năng suy giảm do dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc thúc đẩy tiến độ các dự án như kể trên là nhiệm vụ quan trọng.

“Chúng ta có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay. 3 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao giải ngân hết số vốn này”, đó là những chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương ngày 27/3.

{keywords}
Sân bay Long Thành vốn đầu tư 16 tỷ USD chờ 2021 khởi công nếu được Quốc hội thông qua

Thủ tướng nhấn mạnh: "Lần này cần có chế tài mạnh để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỷ luật, điều chuyển vốn như thế nào?".

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3 là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cao hơn so với cùng kỳ (đạt 11,2% kế hoạch Quốc hội giao và đạt gần 13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng vẫn ở mức thấp.

Theo Bộ Tài chính, có 8 bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt trên 15%. Tuy nhiên, vẫn có tới 29 bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%. Cá biệt, có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, cả nước như dự án cao tốc Bắc Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành,... Phải thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các dự án, làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân theo đúng thời gian quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai, sang các dự án có khả năng giải ngân cao.

Thời điểm hiện tại, giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng. Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay: Ở khía cạnh đóng góp vào tăng trưởng GDP, vốn đầu tư công có hai khía cạnh.

Thứ nhất, bản thân số lượng vốn đầu tư công bỏ ra cho nền kinh tế sẽ là một phần trong giá trị đầu tư đối với giá trị GDP. Tuy nhiên, giá trị đầu tư của đầu tư công cũng không phải nhiều, chiếm khoảng 25% so với tổng đầu tư toàn xã hội nên phần đóng góp này tuy có nhất định nhưng vai trò của nó lại thể hiện chính ở khía cạnh thứ hai. Đó là vốn đầu tư công để xây dựng công trình hạ tầng thiết bị thiết yếu, phục vụ cho nền kinh tế.

“Mỗi khi các dự án hạ tầng này hoàn thiện thì sẽ có tác động lan toả rất mạnh đối với phát triển kinh tế, hoạt động kinh doanh và dịch vụ... ", ông Trần Quốc Phương nhận định.

Thúc giải ngân vốn đầu tư công, phải chú ý hiệu quả

Trong số hàng loạt giải pháp đề ra như tận dụng EVFTA, đầu tư công, nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng GDP, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2020 là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần tăng trưởng kinh tế.

{keywords}
Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn chưa rõ hình hài. Ảnh: Lương Bằng

“Vốn đầu tư công giải ngân thêm được 1%, thì làm cho GDP tăng 0,06 điểm phần trăm. Theo dõi đà giải ngân những năm vừa qua, dù kế hoạch giao 100% nhưng năm cao nhất chúng ta chỉ giải ngân được 92-93%. Nếu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công cũng góp phần làm cho GDP tăng thêm”, ông Nguyễn Bích Lâm tính toán.

Tuy nhiên, thúc tiến độ đầu tư công chỉ là một vế, đi kèm với đó phải nâng cao hiệu quả đầu tư. Bởi nếu thúc đầu tư bằng mọi giá, nguy cơ có những dự án lãng phí, kém hiệu quả là hiện hữu.

Do đó, ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý cần chú ý nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đó là giải pháp trước mắc cũng như lâu dài.

Nghiên cứu qua Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR), lãnh đạo Tổng cục Thống kê thấy rằng: Nếu hệ số ICOR giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Hệ số ICOR năm 2019 ở mức 5,9 (có nghĩa để có 1 đồng tăng trưởng thì phải bỏ ra 5,9 đồng vốn - PV), nếu giảm còn 4,9 thì GDP tăng thêm 1,12%.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng: Nếu muốn gia tăng tổng cầu trong thời điểm này thì phải dùng chính sách chi tiêu chính phủ, đầu tư công. Thực tế cho thấy Chính phủ cũng đang có nhiều hành động phù hợp, tiêu biểu là thúc đẩy các dự án đấu tư công đã được phê duyệt, thậm chí là chuyển những dự án BOT sang đầu tư công để có thể thực hiện nhanh.

“Đầu tư công sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Một mặt, đầu tư công giải quyết đúng nhu cầu của nền kinh tế là phải xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt khác việc đầu tư công thực hiện đúng thời điểm nền kinh tế đang cần”, ông Phạm Thế Anh chia sẻ

Tuy nhiên, ông Phạm Thế Anh cũng không quên nhấn mạnh: Đầu tư công phải đúng mục đích và chỉ nên giới hạn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Đặc biệt là phải có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc sau này.

Lương Bằng

Thủ tướng đồng ý chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công

Thủ tướng đồng ý chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công

Thủ tướng nhất trí với phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP (đối tác công - tư) sang đầu tư công đối với một số dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam.