Liên quan đến vụ sân bóng "mọc" giữa khu đất TP Hà Nội giải tỏa để làm đường, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân cho rằng việc làm sân bóng xuất phát từ chủ trương của quận.
XEM CLIP:
Tiết lộ đại diện đơn vị thi công
Khoảng tháng 4/2023, người dân phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) phát hiện sân bóng với diện tích cả trăm m2 được dựng lên với các hạng mục gồm lưới chắn, bóng đèn cao áp, mặt sân cỏ nhân tạo... để phục vụ việc đá bóng.
"Việc đá bóng diễn ra gây ô nhiễm tiếng ồn khi bóng va vào tấm tôn kim loại, tiếng hò hét làm náo loạn cả khu dân cư", một người dân chia sẻ về thời điểm sân bóng còn hoạt động.
Đáng chú ý, sân bóng dựng lên trong diện tích đất được thu hồi để thực hiện dự án đường vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng. Để có mặt bằng, chính quyền địa phương đã di dời gần 30 hộ dân (thuộc diện tái lấn chiếm) vào khoảng tháng 5/2022.
Sau khi hoàn tất giải tỏa, diện tích đất nêu trên do Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân quản lý. Vào khoảng tháng 4/2023, người dân phát hiện có một sân bóng được xây dựng và đi vào hoạt động.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, khi phát hiện sân bóng, UBND phường Khương Đình ra thông báo yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.
Trong thông báo do ông Phạm Tần Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình ký ngày 27/4 thể hiện rõ nội dung người đại diện đơn vị thi công sân bóng nhân tạo là ông Phạm Văn Khánh.
Thông báo yêu cầu ông Khánh tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu và xuất trình toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn tồn tại.
Quận Thanh Xuân chủ trương làm sân bóng
Trả lời VietNamNet ngày 7/6, đại diện UBND phường Khương Đình cho biết: Phần đất giải tỏa làm đường vành đai 2 ở ngõ 345 Khương Trung được chính quyền giải phóng mặt bằng từ cách đây 20 năm.
Sau đó, Hợp tác xã Nông nghiệp phường Khương Đình để cho người dân tái lấn chiếm. Khi xảy ra tình trạng lấn chiếm thì đã gây ra ô nhiễm môi trường. Đến năm 2022, UBND quận tổ chức giải tỏa và giao Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân quản lý.
Theo đại diện UBND phường Khương Đình, với những ô đất chờ dự án triển khai, để không gây lãng phí và trở thành điểm vứt rác, quận có có chủ trương để Trung tâm phát triển quỹ đất khai thác trong vòng 12 tháng.
Khi PV đặt câu hỏi về việc tại sao chủ trương của quận cho phép làm sân bóng nhưng UBND phường lại ra thông báo dừng hoạt động vì thiếu giấy phép? - Đại diện UBND phường Khương Đình lý giải "do Trung tâm phát triển quỹ đất không thông tin đến UBND phường".
Đại diện trên thông tin thêm: Sau khi phường ra thông báo đình chỉ thì phía Trung tâm phát triển quỹ đất quận đã có trao đổi lại với phường. Đồng thời khẳng định, quan điểm của phường là Trung tâm phát triển quỹ đất làm gì vẫn phải thông báo với phường bằng văn bản.
"Về chủ trương của quận thì phường đã nắm được, nhưng đó là chủ trương chung, không đề cập cụ thể", UBND phường Khương Đình nói.
Ông Đặng Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân xác nhận: Việc xây sân bóng là chủ trương của UBND quận và Thường trực Quận uỷ thống nhất chủ trương bằng văn bản. Khi PV đề cập về trình tự, thủ tục triển khai xây dựng sân bóng diễn ra như thế nào? - ông Linh cho biết sẽ cung cấp sau.
Để nắm thông tin liên quan đến hoạt động văn hoá, thể thao trên địa bàn quận, chiều 9/6, PV liên hệ qua điện thoại với bà Ngô Minh Hồng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Thanh Xuân. Bà Hồng cho biết: Phòng không có trách nhiệm quản lý vì sân bóng trên hiện tại không hoạt động.
Đề cập đến việc sân bóng đã xây dựng cơ bản về cơ sở vật chất, Phòng có nắm được trình tự, thủ tục hay không thì bà Hồng cho rằng: "Hoạt động phải diễn ra chúng tôi mới quản lý".
Thủ tục cấp phép sân bóng rất chặt chẽ
Luật sư Nguyễn Thanh Hải (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết quy trình cấp phép hoạt động sân bóng không quá phức tạp nhưng có quy định rất chặt chẽ. Một trong những điều kiện quan trong nhất là khu vực dự kiến làm sân bóng phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Về quy trình cấp phép, ông Hải cho rằng đơn vị triển khai cần phải tuân thủ Luật Thể dục, Thể thao. Bên cạnh đó, Nghị định 36 năm 2019 của Chính phủ, Thông tư 18 của Bộ VH-TT-DL và các hướng dẫn liên quan cần phải tuân thủ.
Theo ông Hải, đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trước khi đi vào hoạt động thì chủ đầu tư phải được Sở Văn hóa TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.
"Về nguyên tắc, đơn vị làm sân bóng phải thành lập doanh nghiệp, có danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Từ đó, khi vận hành doanh nghiệp sẽ đóng thuế cho Nhà nước", luật sư Hải nói.