Thạc sĩ Dương Yến Phi (Đại học An Giang – Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: Trung tâm trao đổi thông tin về chất thải đóng vai trò then chốt trong cộng sinh công nghiệp và phát triển hệ sinh thái công nghiệp. Việc chia sẻ thông tin có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tăng hiệu quả trao đổi chất thải với mạng lưới các nhà máy bên trong cũng như bên ngoài khu công nghiệp.
Tuy nhiên, cho đến nay, ở khu vực phía Nam mới chỉ có Khu chế xuất Linh Trung I – TP.HCM (5 cơ sở), Khu công nghiệp Biên Hòa – Đồng Nai (5 cơ sở), và Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 – Đồng Nai được nhắc tới như những ví dụ tiêu biểu cho việc phát triển công nghiệp xanh với một số doanh nghiệp thực hiện trao đổi chất thải, đặc biệt là trao đổi chất thải bên trong khu công nghiệp/khu chế xuất.
Công tác trao đổi chất thải với các đơn vị thu gom và tái chế chất thải bên ngoài khu công nghiệp chủ yếu dựa trên giá mua – bán phế liệu chứ không hẳn dựa trên việc tối ưu hóa bán kính thu gom và hiệu quả tái chế. Hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì các cơ sở tái chế bên ngoài khu công nghiệp thường là những cơ sở tư nhân, quy mô nhỏ, công nghệ thủ công, nên quá trình tái chế sẽ làm phát sinh nhiều sản phẩm phụ khác, đôi khi mức độ ô nhiễm môi trường của các sản phẩm phụ này còn cao hơn phế phẩm đem tái chế.
Một nghiên cứu cho thấy có tới 33 đơn vị tham gia công tác thu gom – vận chuyển, tái chế và xử lý tro xỉ thải tại 61 cơ sở sản xuất, đồng nghĩa nguồn lực rất phân tán, khó kiểm soát việc thu hồi triệt để tro, xỉ nhằm tái chế và tái sử dụng hợp lý.
“Để tối ưu hóa hoạt động quản lý chất thải thì trung tâm trao đổi thông tin chất thải, hay cũng có thể gọi là “sàn giao dịch chất thải” là rất cần thiết. Tuy nhiên trong thực tế, gần như tất cả các doanh nghiệp đều không công bố hoặc công bố không rõ ràng thông tin về lượng chất thải cũng như các vấn đề liên quan trên trang thông tin điện tử (website) của đơn vị hoặc trên bất cứ website nào. Việc chia sẻ thông tin về chất thải và môi trường của các doanh nghiệp hầu như hạn chế bởi các lý do về bí quyết công nghệ, cạnh tranh và tính minh bạch…”, Thạc sĩ Dương Yến Phi nhấn mạnh.
Cũng theo Thạc sĩ Dương Yến Phi, để hiện thực hóa ý tưởng lập “trung tâm trao đổi chất thải” hoặc “sàn giao dịch chất thải”, cần trả lời câu hỏi: Bên liên quan nào trong hệ thống quản lý chất thải công nghiệp sẽ là đơn vị có chức năng và vai trò phù hợp.
Hiện nay, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và vai trò hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp/khu chế xuất/khu công nghệ cao của TP.HCM về các dịch vụ quản lý chất thải, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã đặt hàng Trường Đại học Văn Lang thực hiện đề tài xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn phát sinh, công nghệ và đơn vị tái chế, xử lý cho một số loại chất thải công nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp/khu chế xuất trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là đơn vị đầu tư trạm trung chuyển chất thải rắn công nghiệp. Chẳng hạn có 6 trên tổng số 17 khu công nghiệp/khu chế xuất đang hoạt động tại TP.HCM đầu tư trạm thu gom chất thải rắn tập trung của toàn khu.
“Như vậy, từ tình hình thực tế có thể thấy rằng, các biên liên quan hiện hữu có thể đóng vai trò chủ động một cách hợp lý trong việc hình thành trung tâm thông tin trao đổi thông tin chất thải là ban quản lý các khu công nghiệp/khu chế xuất và chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Tất nhiên, theo định hướng xã hội hóa công tác quản lý chất thải, việc thành lập các trung tâm trao đổi (thông tin) chất thải không chỉ giới hạn đối với hai đối tượng kể trên. Việc chia sẻ và trao đổi thông tin chất thải tại những trung tâm này cần được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số như phần mềm quản lý chất thải tích hợp với chức năng tự động hóa tìm kiếm và kết nối với đơn vị có nhu cầu về sản phẩm phụ làm nguyên liệu hoặc đơn vị có năng lực tái chế phù hợp, cũng như tính toán và tối ưu hóa chi phí vận chuyển. Việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số cần được dựa trên các hướng dẫn và tiêu chuẩn cụ thể, chẳng hạn như phân loại và mã hóa các loại chất thải tái chế”, Thạc sĩ Dương Yến Phi khuyến nghị.