Đầu tư của những “ông lớn” nội địa nâng tầm du lịch Việt
- Ông nhận xét gì về vai trò của các doanh nghiệp (DN) du lịch trong việc thúc đẩy phục hồi ngành này trong thời gian qua tại Việt Nam?
Từ trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến dài, nổi bật nhất là các dự án, sản phẩm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao và có sức hấp dẫn đã thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch hàng đầu tiến hành đầu tư. Do dịch bệnh, các DN vừa và nhỏ hầu như rơi vào tình trạng “đóng băng”. Lúc này, vai trò của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn như: Sun Group, Vingroup… lại càng được thể hiện, là những “cánh chim đầu đàn”, mang sứ mệnh người kiến tạo, dẫn dắt các DN nhỏ dần ổn định và hoạt động trở lại.
Các cơ sở lưu trú được tái đầu tư theo xu hướng mới. Sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch được đầu tư tạo trải nghiệm mới. Nếu như trước đây chúng ta phải đi nước ngoài, thì giờ đã có thể trải nghiệm ngay trong nước nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: hệ thống công viên giải trí của Sun World tại Bà Nà hay Fansipan, công viên trò chơi VinWonders, Chuỗi công viên nước tại Hạ Long, Hòn Thơm (Phú Quốc)…
Tuy nhiên, số lượng các tập đoàn, DN lớn của nước ta đã ít, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lại càng ít hơn. Để ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung phục hồi hiệu quả, dưới vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tôi mong muốn có sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa của các tập đoàn, DN trong việc đầu tư khôi phục điểm đến, đa dạng hoá hơn nữa sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Với những DN làm du lịch bài bản, tâm huyết như Sun Group hay Vingroup, tôi kỳ vọng rằng, với công thức “chính quyền trải thảm đón chào, nhà đầu tư chung vai góp sức làm du lịch” đang được các địa phương áp dụng mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay, chúng ta sẽ có những thiên đường du lịch không kém Hàn Quốc, Singapore…
- Thời gian qua đã có nhiều sản phẩm du lịch mới đẳng cấp xuất hiện tại những thủ phủ du lịch như: Sa Pa, Đà Nẵng, Phú Quốc… Xin ông cho biết, việc làm mới sản phẩm đã góp vai trò như nào đối với sự phục hồi của ngành du lịch?
Có thể nói, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới được xem là “chìa khoá” góp phần gia tăng sức hút của điểm đến đối với du khách. Để đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu đi du lịch, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới, mang tính chất đặc trưng: mỗi địa phương - một sản phẩm.
Ðơn cử, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã xây dựng tour đêm "Ðêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt"; TP.HCM đã cho ra mắt tour “du lịch đường sông” và tour "bay trực thăng ngắm cảnh thành phố"; Sapa tổ chức Lễ hội Hoa Hồng, Thanh Hoá có Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm du lịch khinh khí cầu hay tổ chức show diễn nghệ thuật hoành tráng tại Bà Nà…
Ngoài ra, các DN cũng đã cung cấp các gói sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu khách hàng. Thời gian tới, các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ sẽ còn tăng lên. Đây được dự báo là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019.
Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này khi mở cửa du lịch quốc tế như: Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Có thể nói, đây cũng là cơ hội để Việt Nam làm mới mình, đón đầu xu hướng và bắt kịp với đà phục hồi của thế giới.
Tăng tốc đón đầu mùa cao điểm khách du lịch quốc tế
- Hiện chủ yếu chúng ta vẫn đang dựa vào thị trường nội địa. Vậy theo ông, cần làm gì để du lịch thu hút khách quốc tế mạnh mẽ hơn nữa?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2022 Việt Nam đón 101 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 242,9% so với tháng 3/2022 và tăng 520,6% so với cùng kỳ 2021. Số lượng khách tuy chưa nhiều nhưng tốc độ tăng khá cao, cho thấy thị trường du lịch quốc tế đang dần ấm lại.
Tín hiệu tích cực là mới đây Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế từ ngày 27/4 và xét nghiệm Covid-19 từ ngày 15/5 đối với khách nhập cảnh. Với diễn biến này, có thể nói các điều kiện nhập cảnh của Việt Nam là rất cởi mở, thuận lợi. Một yếu tố lạc quan khác là theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm của khách quốc tế về hàng không và du lịch Việt Nam đang tăng rất mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, ở mức trên 75% - vào hàng cao nhất trên thế giới.
Trong thời gian tới, để thu hút mạnh hơn khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đón đầu khai thác tốt mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi, ngành du lịch cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như: đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường trọng điểm; chuẩn bị tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực cho các thị trường trọng điểm; các địa phương, DN tiếp tục xây dựng và quảng bá rộng rãi các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn…
Hiện nay Tổng cục Du lịch đang tham mưu Bộ VHTTDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong việc thành lập văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Nếu được tháo gỡ thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài thời gian tới.
Doãn Phong