– Sau khi mở diễn đàn về các tai biến sản khoa, nhiều bạn đọc của VietNamNet bày tỏ nỗi lo ngại lớn khi mà các ca tử vong liên tiếp xảy ra còn trình độ bác sỹ thì đang có “vấn đề”. Nhiều độc giả còn cung cấp các thông tin về chuyện “tiêu cực” trong các kỳ thi tuyển bác sỹ ở các địa phương như một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai biến này.

Đề nghị công khai thông tin

“Đề nghị công bố tỉ lệ tai biến hiếm này, thế giới thống kê bao nhiêu còn ở Việt Nam ta tỉ lệ như thế nào. Vấn đề phong bì và đạo đức trong bệnh viện tại Việt Nam là thực tế có thật và rất tệ hại. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vô trách nhiệm với sản phụ”, bạn đọc Nguyên Minh bày tỏ.

Nhiều độc giả cho rằng cần công khai thông tin về các trường hợp tử vong của sản phụ để người dân được biết (Ảnh minh họa: VietNamNet)

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Phương tâm đắc với câu nói của GS-TS, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM khi bác sỹ Phượng cho rằng “Sản phụ tử vong nhiều, dân căm phẫn là đúng".

Bạn đọc này bức xúc cho biết: “Làm sao mà không căm phẫn cho được khi mà trước đó sản phụ vẫn ăn cơm cùng gia đình vui vẻ thì chỉ mấy tiếng sau đi đẻ là chết?”.

Bạn đọc Trường Long cũng bày tỏ sự đồng tình với bác sỹ Phượng và chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ các bác sỹ để cho sản phụ và thai nhi chết cần phải biết rằng trong chiến tranh chống Mỹ có một chiến sỹ nữ khi thấy một sản phụ bị bom đánh chết rồi nhưng bụng vẫn cựa quậy.

Chiến sĩ này đã dùng dao găm mổ mà cứu được thai nhi rồi nuôi cháu như con mình nên người. Họ không có nghiệp vụ y tế, chỉ có trái tim yêu thương mà làm được như vậy với sự động viên của đồng đội. Vậy các bác sỹ ngày nay với kiến thức và trang thiết bị y tế như vậy mà để sản phụ và trẻ sơ sinh chết thì có xấu hổ không?
”.

Trong khi đó, dù chưa lập gia đình nhưng bạn đọc Lương Quốc Đông cho biết sau khi đọc các thông tin về những vụ tai biến sản khoa gây tử vong mẹ, con, anh vô cùng bức xúc.

Anh Đông cho rằng sớm muộn gì rồi ngành y tế cũng phải nhìn thẳng vào sự thật bởi trong thời buổi này không thể bao che cho nhau mãi được.

“Trình độ dân trí đã lên cao, truyền thông sôi nổi, tiếng nói được truyền tải và lắng nghe, ngành Y tế cần sớm thay đổi để tránh gây bức xúc cho người bệnh”, anh Đông cho biết.

Báo động khâu đào tạo, tuyển dụng bác sỹ

Liên quan đến những tai biến sản khoa liên tiếp trong thời gian qua, nhiều bạn đọc cho biết dù Bộ Y tế chưa có báo cáo cuối cùng, nhưng họ cho rằng nguyên nhân do trình độ bác sỹ có lẽ là nguyên nhân thuyết phục nhất.

Trước đó, nhiều người làm trong ngành cũng cho rằng việc xử lý chậm trễ, thiếu chính xác là do trình độ chuyên môn của thầy thuốc còn hạn chế.

Với ý kiến cho rằng “bác sỹ ngồi nhầm chỗ sẽ giết chết bệnh nhân”, bạn đọc Nguyễn Hoàng cho biết với cách tuyển sinh và cơ chế tuyển dụng công chức vào hệ thống y tế công lập như hiện nay thì chuyện bác sỹ “ngồi nhầm chỗ” là chuyện bình thường.

 
Khâu đào tạo, tuyển dụng cán bộ y tế đang được cho là "có vấn đề" (Ảnh minh họa: VietNamNet)

“Có lần tôi xem thông tin tuyển sinh trên truyền hình thấy một trường ĐH Y khoa của khu vực Tây Bắc tuyển sinh đối tượng dự bị dân tộc chỉ lấy 8 điểm 3 môn. Vậy sau này ra trường, người này có ngồi nhầm chỗ hay không?

Nếu có thể, mời các nhà báo tìm hiểu về cơ chế tuyển dụng công chức ở Sở Y tế H.B. Bác sỹ học ĐH chính quy thì bị loại, còn bác sỹ tại chức, chuyên tu, y sỹ, điều dưỡng có “mối quan hệ” thì được tuyển. Vậy vấn đề ở đây là gì?”,
bạn đọc này băn khoăn.

Cũng theo bạn đọc này, hiện nay khâu tuyển dụng của ta mới chỉ dựa vào bằng cấp chứ không chú trọng đến vấn đề tay nghề.

“Chúng ta nên làm trong sạch bộ máy y tế từ khâu tuyển dụng lấy lại niềm tin của bệnh nhân để ngành y luôn xứng đáng với câu nói “lương y như từ mẫu” từ xưa đến giờ”, bạn đọc Nguyễn Hoàng nói.

Bạn đọc Lê Nguyên cũng đồng tình: “Thực tế ở các bệnh viện công hiện nay, bác sỹ ngồi nhầm chỗ rất phổ biến nếu không muốn nói là quá nhiều. Tất cả là do cơ chế. Bác sĩ trưởng khoa mà kém thì cả khoa đó không phát triển được, cuối cùng bệnh nhân lãnh đủ”.

Bên cạnh việc “sốc lại” khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng (bằng cách bỏ hệ đào tạo chuyên tu, cử tuyến), bạn đọc Hùng Minh cho biết cần có giải pháp nâng lương cho cán bộ y tế.

Cần nâng lương phù hợp với công sức của nhân viên y tế để khuyến khích bác sỹ trẻ mới ra trường về công tác tuyến tỉnh, huyện. Phải gắn việc đó với quyền lợi như lương đủ sống, có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ngành Y tế cần giáo dục giá trị tốt đẹp của ngành Y cho học sinh, sinh viên khi hướng nghiệp”, bạn đọc Hùng Minh góp ý.

N.Anh (Tổng hợp)