Được mệnh danh là thủ phủ công nghiệp trong quá khứ, Nam Định có nền tảng tốt cho phát triển các ngành công nghiệp, trong đó dệt may, cơ khí là những điển hình.

Để tiếp tục phát huy truyền thống, tỉnh Nam Định đã có những định hướng cụ thể trong việc lựa chọn thu hút đầu tư các dự án công nghiệp với công nghệ tiên tiến, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội… Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh những năm qua liên tục tăng trưởng khá ấn tượng. 

Theo số liệu thống kê mới nhất, 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ 2019 đến nay. 

Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,57%, đóng góp 13,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,78%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,84%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 13,75%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm.

Ảnh màn hình 2024 05 15 lúc 14.17.09.png
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng khá ấn tượng. 

Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,92%; dệt tăng 12,00%; sản xuất trang phục tăng 8,79%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,15%; chế biến gỗ và sản xuất sản xuất từ gỗ, tre, nứa tăng 15,77%.
 
Số liệu thống kê cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm, một số sản phẩm có khối lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Vải các loại tăng 16,57%; quần áo may sẵn tăng 9,16%; giày, dép tăng 21,28%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 11,92%; sản phẩm in tăng 26,37%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 14,67%.

Đáng chú ý, tỷ lệ thuận với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp của Nam Định cũng khá ổn.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2024 tăng 1,40% so với tháng trước và tăng 6,91% so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Sản xuất trang phục tăng 8,84%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 93,89%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/4/2024 tăng 14,48% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 25,74%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân ngành giảm 42,45%.

Cùng đó, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2023. 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm 21,14%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,14% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,61%.

Khánh Vy