Theo báo cáo quý I của Bộ Công Thương, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 5,03%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (Quý I/2021 tăng 6,44%), đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên SXCN tháng 3 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số SXCN (IIP) tháng 3 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2022, chỉ số SXCN tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%; ngành khai khoáng tăng 1%.

Chỉ số sản xuất quý I/2022 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, quặng và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên cùng tăng 47,7%; Sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng (trừ máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính) tăng 43,7%; Sản xuất máy chuyên dụng khác tăng 28,3%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 23,9%; Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác tăng 22,6%; sản xuất điện dân dụng tăng 27,9%; Chế biến và bảo quản rau quả tăng 13,3%; sản xuất trang phục tăng và may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) cùng tăng 24,1%...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm là lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 17,1%; Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) giảm 16,8%; Sản xuất máy cho ngành dệt, may và da giảm 14,1%; Sản xuất sản phẩm từ plastic và Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic cùng giảm 15,5%; Sản xuất pin và ắc quy giảm 12,8%; Khai thác quặng sắt giảm 13,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2022  tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất quý I/2022 khôi phục (ảnh: Hoàng Hà)

 Tính chung quý I/2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2021 tăng 5,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất trang phục tăng 25,5%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14,2%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 16,7%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,2%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,1%... 

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp Quý I năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất, mặt khác ở một số ngành lao động chưa hoàn toàn trở lại làm việc cũng đã tác động đến hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Kim Duyên