Xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, có 141 hộ, 503 nhân khẩu là người dân tộc Mảng. Trước đây, cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây nhiều khó khăn do phụ thuộc vào làm nương rẫy. Hủ tục lạc hậu, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, uống rượu triền miên là những nguyên nhân khiến cuộc sống của họ luôn đói nghèo.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân. Các nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng được lồng ghép vào các hội nghị, cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể. Nhờ đó, bà con đã nắm được các quy định liên quan Luật hôn nhân và gia đình, Luật hộ tịch cũng như những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn.

Với việc nhận thức được nâng cao, bà con hiểu rằng kết hôn khi chưa đủ tuổi sẽ dẫn đến thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống hôn nhân, thiếu kinh nghiệm chăm sóc con cái, con sinh ra dễ ốm đau bệnh tật. Còn bà mẹ trẻ mất đi cơ hội học tập, làm việc ở môi trường tốt hơn, kinh tế gia đình khó khăn.

Để vận động bà con không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chính quyền địa phương đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người có uy tín, trưởng bản, trường dòng họ và cán bộ đảng viên, các đoàn thể chính trị xã hội. Việc nắm địa bàn để kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn các trường hợp có ý định kết hôn cận huyết thống và tảo hôn cũng được đẩy mạnh.

Ngoài ra, xã Nậm Ban còn tập trung xây dựng đời sống văn hóa tại các bản, từ đó loại bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc việc cưới, việc tang, lễ hội và khuyến khích nhân dân tích cực tham gia các phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động người dân nên đến nay, tình trạng kết hôn cận huyết trên địa bàn xã đặc biệt là đồng bào dân tộc Mảng đã không còn. Từ đầu năm đến nay, xã không ghi nhận trường hợp tảo hôn nào ở đồng bào dân tộc Mảng. Nhiều hộ có kinh tế khá giả nhờ chịu khó chăn nuôi gia súc gia cầm và trồng trọt.

Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện Nậm Nhùn nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm dần từng năm.

W-giadinh-laichau-leanhdung.png
Chị em phụ nữ người dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Để đạt được kết quả trên, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức được hơn 400 cuộc tuyên truyền thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức về hôn nhân và gia đình, thu hút hơn 13.000 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức 60 cuộc tư vấn, tuyên truyền vận động phòng chống về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 2.180 lượt người.

Ngoài biên soạn tài liệu liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và dân số, Lai Châu còn xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Trong năm 2023, tỉnh Lai Châu đã biên soạn, in ấn và cấp phát hành với tổng số hơn 30.000 tờ rơi, pa nô, áp phích tuyên truyền chung tay phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ngoài ra, trong 2 năm gần đây, tỉnh đã bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; mở 41 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 1.230 học viên.

Bên cạnh đó, 50 hội nghị tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho 2.911 học viên là người dân tại các bản có tỷ lệ tảo hôn cao trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai.

Cũng trong giai đoạn 2022-2023, tỉnh Lai Châu đã tổ chức được hơn 200 cuộc tư vấn, tuyên truyền, vận động phòng chống về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hoá gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất. Hiện nay, các địa phương đang duy trì, triển khai nhiều mô hình can thiệp, tư vấn tại các xã, huyện, trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.

Bên cạnh đó, Lai Châu cũng đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tại các địa phương. Thông qua kiểm tra tại các xã, thị trấn, cơ quan cấp trên đã kịp thời hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp để đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.