- Sáng vừa dậy, chưa kịp ăn gì, ông Thường đã với tay lấy điếu cày làm một hơi cho tỉnh người. Ngày trước ông hút thuốc lào, nay có điều kiện hơn ông chuyển sang hút thuốc lá. Một ngày nọ, ông bàng hoàng nhận tin về căn bệnh ung thư trong cơ thể mình.

"Nhịn ăn, nhịn uống nhưng không thể nhịn thuốc lá"

Ông Lê Thái Thường (SN 1959, phường Liên Tiết, TP Phủ Lý, Hà Nam) đang điều trị bệnh ung thư phế quản tại Bệnh viện K. Là một bệnh nhân bị ung thư, ông thừa nhận: "Tôi đã từng hút rất nhiều thuốc".

Ông nói: "Tôi là thương binh đi chiến trường K, rời ngũ năm 1982. Sau khi về quê tôi tiếp tục làm ruộng. Thời đấy làm gì có máy cày như bây giờ, cứ người đi trước con trâu đi sau cày, bừa rất mệt. Lúc nghỉ ngơi, những người nông dân như chúng tôi thường có thói quen rủ nhau uống chén nước, làm điếu thuốc lào cho khỏe người".

{keywords}

Ông Lê Thái Thường đang điều trị tại BV K.

Ban đầu ông không hút nhưng thấy người ta hút nhiều cũng theo rồi quen dần. Cuối cùng ông đâm ra nghiện thuốc lào. Ông sắm luôn cho mình một cái điếu cày để hút cho tiện.

"Vào những mùa rét mướt, phải lội xuống ruộng thì cần phải có điếu thuốc mới ấm người lên được. Cứ như thế tôi hút thường xuyên. Sáng vừa ngủ dậy chưa ăn gì tôi cũng làm một điếu. Trước khi ra đồng tôi hút một điếu, giữa buổi nghỉ một điếu... Cứ thế một ngày tôi hút không dưới chục lần. Ngày xưa không có điều kiện thì tôi hút thuốc lào, sau này tôi chuyển qua hút thuốc lá".

Hút thuốc trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Ông thường cho biết mình có thể nhịn ăn, nhịn khát nhưng ngày không có điếu thuốc thì không chịu nổi.

Mọi việc cứ diễn ra như thế cho đến một ngày thì tai họa ập đến.

Cơn sốt chiều ngày Tết

Ông cho biết, những năm trước sức khỏe của ông rất tốt nhưng đến chiều mùng 4 Tết năm 2016 ông bắt đầu mệt mỏi, lên cơn sốt.

Nghĩ mình bị sốt virus, ông bảo người nhà đưa ra trạm y tế phường để truyền dịch, uống thuốc. Ông truyền dịch khoảng 1 tuần nhưng cũng không hết bệnh và cảm thấy đau nhói ở một bên vai nên lên bệnh viện tuyến trên để kiểm tra. Tại BV Bạch Mai, sau khi thăm khám, các bác sĩ ông chẩn đoán bội nhiễm phổi cấp và buộc phải nhập viện để điều trị.

Nằm viện nửa tháng, căn bệnh của ông đã dần ổn định. Tuy nhiên qua các đợt thăm khám, bác sĩ phát hiện ở góc phổi của ông Thường xuất hiện một hạch nhỏ.

Vấn đề này, bác sĩ đã trao đổi với người nhà của ông và yêu cầu bệnh nhân đi lấy mẫu đi xét nghiệm. Sau 7 ngày, kết quả cho thấy chứng bội nhiễm phổi cấp đã ổn định tuy nhiên bác sĩ nghi ngờ ông bị ung thư phế quản.

Ông thường được chuyển qua BV K để tiếp tục điều trị. Hôm đó, từ BV Bạch Mai về quê chuẩn bị các thủ tục, quần áo để chuyển viện ông nhìn thấy trên bàn vẫn là cái điếu cày quen thuộc và bao thuốc lá. Ông cầm luôn điếu cày ném xuống ao trước nhà, bao thuốc lá ông cũng quẳng luôn vào bếp lửa như một quyết tâm bỏ thuốc.

Những lần sau đó, có dịp về quê tham gia các đám giỗ, cưới hỏi... hàng xóm vốn biết ông mê hút thuốc nên có mời nhưng ông kiên quyết từ chối.

Cũng từ ngày đó, ông Thường và gia đình lại bước vào cuộc chiến chống chọi với căn bệnh ung thư. Ông cho biết: "Tôi rời ngũ với tỷ lệ thương tật 23% nên được nhận chế độ 900 nghìn đồng mỗi tháng. Ngoài ra, 2 vợ chồng có làm thêm mấy sào ruộng để thêm thu nhập. Nhưng từ ngày tôi mắc bệnh vợ tôi cũng phải khăn gói lên chăm chồng ở Hà Nội, ruộng vườn đành bỏ không. Các con tôi kinh tế cũng không dư giả gì, gia đình cũng thiếu thốn, khó khăn".

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư khẳng định, thuốc lá được cho là nguyên nhân của trên 30% trong tổng số các loại ung thư ở người, riêng đối với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% trường hợp.

Trong khói thuốc không chỉ có chất nicotin ảnh hưởng đến hệ tim mạch, mà còn có trên 70 loại hóa chất độc hại khác nhau có thể gây ung thư. Đặc biệt, trong số này có tới 43 chất đã được chứng minh là gây bệnh ung thư như benzopyren, nitrosamine, cadmium, niken, urethane, toluidin… riêng benzopyren là chất có khả năng 100% gây ung thư trên thực nghiệm. 

Hút thuốc ở người tuổi càng trẻ, thời gian hút càng dài, số lượng hút trong một ngày càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Nếu người hút thuốc kèm theo nghiện rượu thì nguy cơ mắc ung thư các loại liên quan còn cao hơn nữa.

Ngoài ung thư phổi thì thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ cao gây ra một số loại ung thư khác như ung thư thanh quản, khoang miệng, bàng quang, ung thư tụy, thận...

Không chỉ gây ra ung thư, thuốc lá cũng là nguyên nhân của các bệnh như Bệnh lý ở hệ hô hấp: Bệnh lý ở đường hô hấp trên: như viêm mũi mạn tính, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản mạn tính, Bệnh lý ở đường hô hấp dưới: viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phế quản. 

Bệnh lý ở phổi: Viêm phổi, dãn phế nang, Bệnh lý hệ mạch máu: bệnh xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành, bệnh thuyên tắc động mạch, tai biến mạch máu não. Các ảnh hưởng của thuốc lá lên chức năng sinh sản: giảm trọng lượng thai nhi, sinh non, băng huyết sau sinh, dễ sảy thai ngẫu nhiên, gia tăng tần suất sinh ra thai nhi bị bất thường bẩm sinh. 

Thời kỳ cho con bú: Nicotine được thải qua sữa có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Nam giới hút thuốc lá có thể bị suy nhược sinh dục hay liệt dương. 

Ảnh hưởng của thuốc lá lên hệ thần kinh: Những chứng minh gần đây cho thấy hút thuốc lá làm giảm số lượng các tế bào thần kinh trong não.

Ngọc Trang - Lê Thúy