- Ngành giao thông liên quan đến hầu hết các bộ, ngành và địa phương mà sao ít thấy có vị nào phát biểu mạnh hơn một tí, hoặc là ủng hộ, hoặc không. Mọi người cứ im im như thế, Bộ GTVT cũng khó làm - một công chức Hà Nội gửi đến tòa soạn VietNamNet bức thư chia sẻ với Bộ trưởng Đinh La Thăng sau hàng loạt tuyên bố gây xôn xao dư luận.

Là công dân, tôi xin chia sẻ những băn khoăn của Bộ trưởng GTVT và ủng hộ những quyết định của ông. Tôi tin khi đưa ra bất cứ nhận xét hay quyết định nào, Bộ trưởng và bộ máy giúp việc đều đã có những cân nhắc cần thiết.


Tuy nhiên, tôi thấy băn khoăn khi thấy ít người có trách nhiệm lên tiếng. Ngành giao thông liên quan đến hầu hết các bộ, ngành và địa phương mà sao ít thấy có bác nào phát biểu mạnh hơn một tý, hoặc là ủng hộ, hoặc là không ủng hộ. Các bác cứ im im như thế, Bộ Giao thông cũng khó làm. Thận trọng nghiên cứu, thử nghiệm là rất cần nhưng chẳng lẽ cứ nghiên cứu và thử nghiệm mãi.


Những biện pháp của Bộ trưởng đưa ra, cũng như chính Bộ trưởng đã nhận xét, không có gì mới và cũng không phải do chính Bộ trưởng đưa ra. Trước đó, người ta đã nói đến các biện pháp này rồi và ai cũng biết là phải tổng thể, phải đồng bộ và phải có thời gian. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ cảm thấy thiếu cái gì đó mà chúng ta chưa nói đến nhiều.


Cần bổ sung thêm danh mục các nguyên nhân gây tắc nghẽn. Ảnh chụp Hà Nội giờ tan tầm 

Thấy mọi người quan tâm tới tắc nghẽn giao thông thành phố, tôi thấy thương cảm giao thông ở ngoại thành Hà Nội. Mời Bộ trưởng đi qua Cầu Bươu, sang Làng Tó, đến thăm Cự Đà, cách Hồ Hoàn Kiếm có khi chỉ khoảng 15 km đường chim bay.

Nói là ngày xưa thì xa quá, chỉ cách đây dăm bảy năm, làng quê này thoáng đãng lắm. Những đường gạch ngày xưa đủ cho dân làng đi lại. Bà con có thể bước qua tường rào sang thăm nhau. Bây giờ khác quá Bộ trưởng ạ.


Đường gạch đã được thay bằng đường bê tông, rộng hơn, chắc chắn hơn. Nhà nào cũng xây tường cao, rào kín, lấn cả sang “hành lang an toàn” của đường làng. Rồi cả loạt nhà ven đường làng đục tường, mở hàng quán, bán đủ thứ trên đời. Vậy là đường làng từ chỗ thanh bình, nên thơ, trở thành chật chội thời công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mà đường làng thường là độc đạo. Vào hay ra cũng chỉ qua lối này thôi. Vì thế chỉ cần một cái taxi vào là đường làng bị tắc ngay. Phải lùi, phải tiến, phải tránh, phải cãi vã… Tắc đường làng lắm lúc còn căng thẳng và lâu hơn tắc đường ở Chùa Bộc, Khâm Thiên.


Nguyên nhân tắc đường làng không phải do tăng phương tiện giao thông, không phải do thiếu phương tiện công cộng. Do quản lý đất đai, do quản lý xây dựng Bộ trưởng ạ. Nhà nào cũng tường cao, rào kín, nhà nào cũng lấn “hành lang an toàn” của đường làng. Vậy là đường rộng ra mà thành hẹp hơn. Lại thêm rãnh thoát nước không có nắp nữa. Nhiều lần bà con nhắc nhau nhưng không thay đổi được gì. Họ bảo mấy ông lãnh đạo chưa lo, chưa nói, chúng ta nói, ai nghe.


Vài ba năm trước, chúng ta đi trên con đường Nguyễn Chí Thanh, được vinh danh là “con đường đẹp nhất” của Hà Nội. Rộng, xanh, sạch. Rồi cũng cách đây dăm bảy năm, đường Nguyễn Trãi được mở rộng, tách làn, cũng rộng và thoáng lắm. Ngày đó, mỗi lần qua được Kim Mã sang đường Nguyễn Chí Thanh, qua được Ngã Tư Sở đến Cầu Mới là người ta thở phào nhẹ nhõm khi không còn phải chèn, phải ép.


Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại. Tại sao mà thay đổi nhanh thế? Ngoài những lý do “kinh điển”, còn có một lý do quan trọng khác nữa. Nhiều người ngày trước ở Hà Nội và làm việc ở Hà Nội, nhiều người ở Hà Tây và làm việc ở Hà Tây. Nay người ở Hà Nội làm việc ở Hà Tây và ngược lại. Vậy là, từ ngày nhập tỉnh, số lượng người xe tham gia giao thông trên những tuyến này tăng lên gấp nhiều lần và… tắc.


Rồi nữa, Ngã Tư Sở dù đã có cầu vượt mà vẫn tắc. Gần đây, thêm hai tòa nhà cao tầng ở Ngã Tư Sở. Mỗi tòa nhà như thế có hàng trăm căn hộ cao cấp. Mà dân ở những căn hộ này thường ở tầng lớp trung lưu. Trung bình mỗi nhà có một ô tô thì đường Nguyễn Trãi có mở đến hàng trăm mét và có đến hai, ba tầng cầu vượt thì vẫn tắc.


Cứ đưa ra các ví dụ như thế, tôi thấy cần bổ sung thêm danh mục các nguyên nhân gây nghẽn tắc và hãy chỉ ra đâu là nguyên nhân cơ bản nhất. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, chính là tầm nhìn, là lợi ích nhóm. Không gỡ điều này, các biện pháp khác dù có quyết liệt đến đâu cũng sẽ chỉ như "bắt cóc, bỏ đĩa" mà thôi, thưa Bộ trưởng.


Lê Hoàn
- Ảnh: Minh Thăng

Một góc nhìn khác về "hiện tượng Đinh La Thăng"
Ở cương vị Bộ trưởng, mỗi hành động, mỗi việc làm đều ảnh hưởng đến một bộ phận lớn. Chúng ta không thể làm theo kiểu "thử và sai" được.
 
Ba điều kiện cho Bộ trưởng Thăng
Trước đề nghị lấy tăng thu từ dầu khí đầu tư cho giao thông của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ĐB Trần Du Lịch sẵn sàng ủng hộ với ba điều kiện.
 
ĐBQH hi vọng Bộ trưởng Thăng 'xóa khoảng tối'
Phân tích cặn kẽ nguyên nhân của tình hình tai nạn giao thông 'quá nghiêm trọng', 11.000 người chết năm ngoái nhưng chưa lãnh đạo nào nhận trách nhiệm cá nhân, ĐBQH cũng trông đợi một tân Bộ trưởng quyết liệt.

Tướng Lê Văn Cương bình về "hiện tượng Đinh La Thăng"
"Trong bài toán giao thông và tài chính Việt Nam, theo tôi cả Vương Đình Huệ - Đinh La Thăng nên chọn cả hai phương án vừa trực diện, vừa vu hồi" - Thiếu tướng Lê Văn Cương khuyên.
 
Bộ trưởng Thăng quyết xử phạt cán bộ chủ chốt chơi golf
Chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải khẳng định Bộ sẽ có quy định xử phạt cán bộ chủ chốt chơi golf.