Cuối năm khi xếp hạnh kiểm, tôi trăn trở bao đêm. Với số lỗi đó, chắc chắn K. sẽ bị xếp hạnh kiểm yếu hoặc trung bình; em cũng sẽ phải chuyển khỏi trường.
Cuối cùng, dù khá đau lòng, tôi quyết định phải giữ vững nguyên tắc, xếp hạnh kiểm theo đúng nội quy là trung bình.
Hôm họp Hội đồng đức dục, tôi báo cáo lại trường hợp đó; đã cố chứng minh K. có nhiều lỗi, phải xếp loại trung bình chứ không thể khác.
Khi đó, một đồng nghiệp hơn tuổi đã nói một câu khiến tôi nhớ mãi trong cuộc đời làm nghề dạy học:
"Em đã chỉ biết cộng vào mà không biết trừ đi. Tại sao có thể để học sinh đó nhiều lỗi đến vậy?".
Tôi chợt vỡ oà ra tất cả. Hóa ra, mình đã mãi tìm cỏ, mà không biết gieo hoa. Mình đã quá nguyên tắc, chỉ biết làm việc "kiểu nhà binh" mà không hiểu học trò. Mình thật có lỗi!
Rất may, tôi đã kịp chuộc lỗi. Cậu học trò có một học kì năm sau để thử thách.
Học kì đó, mỗi khi em nỗ lực làm được điều gì, tôi lại ngợi khen, trừ đi cho em một lỗi, cộng thêm cho em một điểm thưởng. Cuối kì học năm đó, em tiến bộ rõ ràng, không còn phạm lỗi gì nữa.
Từ câu chuyện đó, tôi bắt đầu theo đuổi nguyên tắc: kết hợp phép cộng và phép trừ trong giáo dục; luôn cố gắng nhìn vào cái tốt để khích lệ học trò.
Tôi cũng không còn cứng nhắc trong đánh giá học trò, bởi vì ngoài nguyên tắc, có những điều còn hiệu quả và ý nghĩa hơn bội phần. Như sự khích lệ và niềm tin đối với các em chẳng hạn.
Điều đó sẽ khiến học trò tiến bộ. Thế là, tôi ghi nhớ bài học: "Biết cộng vào thì hãy biết trừ đi".
Trong những năm tháng làm nghề giáo, tôi còn bổ sung những nguyên tắc: "trồng hoa, bỏ cỏ", "xem cỏ là hoa", "mọi đứa trẻ đều có giá trị", "gieo niềm tin, gặt thành công" và "học trò luôn là bạn".
- Phương Thanh (một giáo viên ở Hà Nội)
Mời độc giả, các thầy cô giáo chia sẻ về các tình huống sư phạm, câu chuyện dạy trẻ với VietNamNet theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết đăng tải được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành. Trân trọng |
|