Lòng tốt hay những điều tốt đẹp cần phải là những điều xác thực, để khi ta nhận ra nó, không còn phải e ngại rằng có thể bị đánh lừa, bị tổn thương. Chỉ khi ấy, ta mới có thể thanh thản sống để nhận ra những điều tốt xung quanh và nói về nó mà không e ngại.
Nếu quan sát kỹ, chúng ta đều nhận thấy trên các tờ báo lớn, trên truyền hình hay trên mạng xã hội, những câu chuyện về người tốt, hành động cao cả ngày nay ít được nói đến hơn rất nhiều so với 20 năm trước.
Người đọc ít mặn mà và chuyện tốt người tốt cứ ít dần đi. Ngồi nói chuyện với nhau ở trà chén vỉa hè hay công sở, kể về những nỗi bực dọc bao giờ cũng nhận được sự đồng cảm hơn khi kể về một người tốt nào đó.
Mạng xã hội sẽ tràn ngập like, đầy rẫy bình luận hào hứng nếu ta nói về những điều xấu. Điều tốt được gợi ra, nói đến, bao giờ cũng kèm theo chút ngậm ngùi. Chỉ cách đây vài hôm, một ca sĩ có tiếng đã viết trên trang mạng xã hội của mình về việc anh bị bạn, cũng là một ca sĩ có tiếng khác block (chặn liên lạc trên trang mạng xã hội).
Nguyên do của việc anh bị block là bởi đã lên tiếng bênh vực và giúp đỡ người đàn ông hát rong có con bị teo não. Anh bị block vì chính sự thương cảm, lòng tốt của mình.
Như vậy lòng tốt không chỉ khiến ngại ngùng khi nói, bùi ngùi khi lắng nghe mà còn gây cả mâu thuẫn.
Tại sao lại thế?
Không thể phủ nhận, xã hội chúng ta đang ở một giai đoạn mà quá nhiều điều bất cập dần dần lộ diện. Chúng ta không thể lạc quan giả tạo mà nói rằng, đây là giai đoạn tốt đẹp của đất nước. Những điều bất toại ý ngày nào cũng hiển hiện trong đời sống, những chuyện xấu ngày nào cũng đọc được ở đâu đó, nghe thấy ở đâu đó, hoặc xuất hiện trong chính cuộc đời chúng ta. Nó khiến chúng ta mệt mỏi và đôi lúc quên phắt đi rằng, cùng với cái xấu, muôn ngàn những điều tốt đẹp khác cũng đang tồn tại.
Nếu không chúng ta sống làm sao? Làm sao có thể sống nếu xã hội chỉ ngập tràn điều xấu. Chúng ta bơi thế nào trong toàn những điều xấu đó mà không ngộp thở, chết chìm. Nếu chúng ta còn thở được, nói với nhau được về những điều xấu là bởi chúng ta còn có những điều tốt, người tốt ở xung quanh. Chỉ có điều, chúng ta tiếp nhận nó một cách vô tình, không nghĩ đến và ngại ngùng khi nói đến.
Lòng tốt còn không? Người tốt còn không? Còn nhiều lắm chứ. Trong ảnh: hàng sửa xe miễn phí của ông Nguyễn Văn Tâm (63 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Zing.vn |
Sao lại thành thế? Sao lòng tốt, điều tốt đôi lúc lại khiến ngại ngùng, lại khiến chúng ta hoặc không nhận ra, hoặc nhận ra mà không còn muốn nói đến.
Ngược thời gian chỉ hơn chục năm trước, thay vì bây giờ chỉ nhìn thấy điều xấu, thì ở giai đoạn đó chúng ta rủ nhau nói về điều tốt. Chúng ta viết về người tốt trên báo, nêu gương người tốt ở cơ quan, xét phong danh hiệu, cấp chứng chỉ…Ở mẫu giáo chúng ta đã có phiếu bé ngoan, lên phổ thông chúng ta lại tiếp tục có cháu ngoan…cứ thế.
Chúng ta nghĩ xã hội sẽ tốt hơn bằng việc tuyên dương lòng tốt, tính thiện sẽ được nhân rộng khi có những tấm gương. Lòng tốt nảy nở khi được ngợi khen, người tốt sẽ ngày một xuất hiện khi có bằng khen. Càng nhiều tấm gương thì xã hội càng tốt. Càng nhiều bằng khen nghĩa là sẽ càng nhiều người tốt. Chúng ta tư duy theo cách đó, và hy vọng xã hội sẽ được xây dựng trên những khuôn mẫu của tính thiện.
Đáng tiếc, có vẻ chính những sự cố gắng để nêu ra những việc tốt người tốt ấy đã khiến chúng ta phải gắng sức, thậm chí phải nói về điều tốt trong tâm lý “nhiệm vụ”. Khen nhiều hơn thực tế, ngợi ca xa hơn sự thật. Chưa kể, có những việc tốt người tốt được nói đến vì được trả tiền. Khen tốt theo đơn đặt hàng, ngợi ca theo tiêu chí…
Và lòng tốt, người tốt một cách phi tính thiện ấy đôi lúc đã khiến xã hội bị tổn thương, khi phát giác. Còn gì cay đắng hơn khi đã tin nhầm, để rồi thất vọng. Không còn muốn tin vào “điều tốt” và không còn muốn “làm người tốt”.
Tôi có một người bạn, chị làm từ thiện một cách bền bỉ, năm này qua năm khác. Theo dõi những hoạt động của chị, thấy rất tốn mồ hôi công sức. Chị không có quan hệ với đại gia để có thể xin tiền nhanh chóng, chị cũng không dư dả để có thể mang tiền nhà đi cho. Chị làm bằng tất cả lòng từ tâm và mồ hôi nước mắt.
Ấy thế mà nếu có nhà báo nào định nói về công việc của chị, là lắc đầu quầy quậy. Chị không muốn ai biết về mình, không muốn được trở thành tấm gương về lòng tốt. Chị sợ bị đánh đồng với nhà sư nào đó, cơ sở từ thiện nào đó mà trước khi bị phát giác chiếm đoạt tiền, đã từng là một tấm gương sáng về lòng từ bi – trên báo.
Tôi cũng có nhiều người bạn khác nữa, lương tháng vài triệu đồng. Cứ mỗi mùa đông đến lại thu gom lương thực, quần áo, không quản đường rừng ngược lên Tây bắc. Không ai trong số họ muốn được xã hội biết đến, họ không cần lòng tốt được chứng giám.
Như vậy lòng tốt còn không? Người tốt còn không? Còn nhiều lắm chứ. Chỉ có điều người tốt ngại bị gọi là “Người tốt”. Lòng tốt ngại bị trở thành tấm gương. Còn xã hội, e dè với “điều tốt” vì sợ bị tổn thương thêm nữa.
Tôi luôn nghĩ, khi nói về điều tử tế cũng phải bằng tất cả lòng tốt. Bất cứ cử chỉ cao đẹp nào, tấm lòng cao cả nào khi bị thổi phồng, thêm thắt vào những giá trị mà bản thân nó không có - đều sẽ tạo nên những phản ứng ngược. Khẩu vị của người đọc, của xã hội cần phải được nuôi dưỡng trong sự tinh khiết, đừng thêm thắt vào lòng tốt những vẩy mì chính Tàu.
Lòng tốt hay những điều tốt đẹp cần phải là những điều xác thực, để rồi khi ta nhận ra nó, không bao giờ phải e ngại rằng có thể bị đánh lừa, bị tổn thương. Chỉ khi ấy, ta mới có thể thanh thản sống để nhận ra những điều tốt xung quanh và nói về nó mà không e ngại.
Một căn nhà vững vàng chỉ có thể được xây dựng bởi những viên gạch tốt. Nếu bản thân những viên gạch ấy đã không chất lượng, thì căn nhà không thể chắc bền.
Hãy nhận diện ra lòng tốt, nói về những điều tốt, viết về nó nhưng bằng tất cả lòng hướng thiện, sự ngay thẳng. Đôi khi không nói đến lòng tốt cũng là một cách để nó tồn tại. Bởi nếu nói mà reo rắc sự nghi ngờ - thì đã là mầm mống để giết chết sự thiện tâm mất rồi.
Hãy nói về sự tử tế – với tất cả lòng tốt.
Nguyễn Mỹ Linh