Một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đang được Bộ Nội vụ và các tỉnh, thành rốt ráo thực hiện cho kịp tiến độ thì không có lý do gì Hà Nội và TP.HCM lại “một mình một chợ”.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, nhiều tỉnh thành đã chủ động đưa ra phương án sắp xếp, sáp nhập.
Đây là điểm rất khác biệt so với giai đoạn 2019 – 2021, cho thấy sự chủ động “từ sớm, từ xa” của các địa phương và Bộ Nội vụ; không còn cảnh ngồi chờ chỉ đạo từ trên xuống mới làm.
Không còn cảnh ngồi chờ nghị quyết
Còn nhớ giai đoạn trước, nhiều tỉnh, thành chờ “nước đến chân mới nhảy”, thậm chí ngay từ đầu có 4 địa phương, trong đó có Hà Nội và TP.HCM đã đề nghị "chưa" sắp xếp ĐVHC với rất nhiều lý do. Không ít tỉnh, thành khi đó mặc dù đã đến hạn phải trình phương án sắp xếp vẫn còn "chần chừ" khiến Bộ Nội vụ phải nhiều lần ra văn bản đốc thúc.
Ngược lại, ở giai đoạn này, ngay từ khi xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ đã cùng các địa phương chủ động rà soát và đưa ra được con số tổng thể 33 ĐVHC cấp huyện, 1.327 ĐVHC cấp xã tại 58 tỉnh thành thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025.
Không ít địa phương khi hoàn thành sắp xếp ở giai đoạn 2019 - 2021 đã tính toán luôn phương án sáp nhập cho giai đoạn tiếp theo.
Trong đó phải kể đến sự chủ động, đi đầu của 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là 2 địa phương có số ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất cả nước.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM có 6 ĐVHC cấp huyện và 149 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Mặc dù cái khó nhất của TP.HCM là “đất chật, người đông” đặt ra không ít thách thức và phức tạp trong việc sắp xếp ĐVHC nhưng Chủ tịch Phan Văn Mãi vẫn nêu quyết tâm “hoàn thành đề án theo đúng tiến độ quy định; trình Thủ tướng phê duyệt chậm nhất vào ngày 31/10”.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động của việc sắp xếp này đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế - xã hội. Đồng thời, chuẩn bị các phương án xử lý các phát sinh; tập trung tuyên truyền, có hình thức phù hợp trong việc lấy ý kiến người dân về sắp xếp ĐVHC.
Tương tự, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, Hà Nội có 1 ĐVHC cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.
Ông cũng cam kết sẽ tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2025.
TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu; đồng thời phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương; nhất là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Nhiều tỉnh, thành khác cũng đã có phương án sơ bộ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã như: Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình, Lai Châu,… Thậm chí như Quảng Ninh còn tự nguyện đề xuất sắp xếp một số ĐVHC theo diện khuyến khích.
Việc khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc sắp xếp ĐVHC của giai đoạn tới đây có một số khó khăn, trong đó có việc số lượng phải sắp xếp nhiều hơn giai đoạn trước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận “việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 được tiến hành khẩn trương hơn, kỹ hơn, nhanh hơn”.
Từ 1/8, các địa phương bắt đầu triển khai cụ thể các phương án sắp xếp, sáp nhập để đảm bảo hoàn thành trước 30/9/2024. Điều này đòi hỏi từng địa phương phải ban hành kế hoạch cụ thể, có lộ trình, phân chia thời hạn và từng việc cụ thể thì mới triển khai có kết quả.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sắp xếp ĐVHC là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
“Vạn sự khởi đầu nan”, việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã trong giai đoạn đầu (2019 – 2021) tưởng chừng như khá “chông gai” thì đến nay đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”. Cụ thể qua sắp xếp đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; giảm 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã; tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong năm 2023 - 2024, Bộ Nội vụ sẽ tập trung tổng lực cho việc này với tinh thần "thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội". Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình sắp xếp và sau sắp xếp.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và các kinh nghiệm được rút ra, cùng với khí thế chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa” của các địa phương, trong đó có sự đi đầu của hai nơi được cho là khó nhất (Hà Nội, TP.HCM), tin rằng công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 sẽ đạt được kết quả toàn diện hơn.
Qua đó, tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hướng tới xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ như người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng.