Chiều 12/7, tiếp tục chương trình phiên họp 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ đây đến năm 2025 là những nơi có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030, các tỉnh, thành hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích các tỉnh, thành thực hiện sắp xếp theo nhu cầu của địa phương để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính...
Theo báo cáo tổng hợp của 63 tỉnh, thành, giai đoạn 2023 - 2025 có khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Con số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành do ngân sách địa phương bảo đảm.
Ngoài ra, ngân sách trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỷ đồng cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm khi sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2030.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, so với giai đoạn 2019 - 2021, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030 đặt ra không ít thách thức do số lượng ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều. Các ĐVHC hình thành sau sắp xếp, nhất là các ĐVHC đô thị cần đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn nhằm bảo đảm chất lượng đô thị.
Việc này đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành trung ương và sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền địa phương các cấp mới hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Về kinh phí thực hiện, ông Tùng cho rằng, việc quy định ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành nhận bổ sung cân đối ngân sách là cần thiết.
Đây là khoản bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng và thực hiện thanh quyết toán đối với số bổ sung này nên phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ động quyết định.
Ủy ban Pháp luật lưu ý, khoản hỗ trợ một lần từ ngân sách trung ương cho các địa phương phải theo nguyên tắc bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và tạo thuận lợi nhất cho địa phương.
Dự kiến dôi dư hơn 46.000 cán bộ
Báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Việc sắp xếp phải hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, tạo động lực, tạo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới nâng cao đời sống của người dân và giữ được ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo bà Trà, vừa qua Bộ Nội vụ làm việc với 63 tỉnh thành, rà soát và đưa ra phương án dự kiến sắp xếp 33 ĐVHC cấp huyện, 1.327 ĐVHC cấp xã. Trong đó có khoảng 16 ĐVHC đô thị cấp huyện; 400 ĐVHC đô thị cấp xã phải sắp xếp.
Từ đó, Bộ Nội vụ cũng tính toán dự kiến số cán bộ công chức dôi dư tương ứng. Theo đó, số cán bộ lãnh đạo ĐVHC cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, hồ sơ đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết theo trình tự rút gọn.
Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho địa phương. Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan cần làm rõ nguồn lấy từ đâu, nội dung chi và cách thức chi cho rành mạch, rõ ràng.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ giao cho Ủy ban Pháp luật cùng các cơ quan hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, lấy ý kiến Chính phủ và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Việc này phải cố gắng hoàn thành trong vòng 1 tuần.
Sau đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất thông qua dự thảo nghị quyết. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính: - Huyện miền núi, vùng cao: Phải có diện tích 850km2 và dân số 80.000 người trở lên - Các huyện còn lại: Phải có diện tích 450km2 và 120.000 người trở lên - Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố: Phải có diện tích từ 150km2 và dân số từ 150.000 người trở lên - Thị xã: Phải có diện tích từ 200km2 và dân từ 100.000 người trở lên - Quận: Phải phải có diện tích từ 35km2 và dân số từ 150.000 người trở lên - Các xã miền núi, vùng cao: Phải có diện tích 50km2 và 5.000 người trở lên - Các xã còn lại: Phải có diện tích 30km2 và 8.000 người trở lên - Phường: Phải có diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên, đồng thời có từ 15.000 người với phường thuộc quận, từ 5.000 người với phường thuộc thị xã - Thị trấn: Phải có diện tích từ 14km2 và 8.000 dân trở lên. |