Nhiều khó khăn trong xây dựng, vận hành dự án điện mặt trời

Để ưu tiên năng lượng tái tạo hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam gần đây đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cơ chế giá điện FiT cho điện gió và điện mặt trời; cùng các ưu đãi phi thuế quan khác.

Nhờ đó, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, vẫn phát triển mạnh mẽ ngay cả khi dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, đặc biệt ở cấp độ dự án.

{keywords}
 Các diễn giả hội thảo tham vấn về cuốn "Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” diễn ra trực tuyến ngày 27/10.

Phát biểu tại hội thảo tham vấn về cuốn "Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam" diễn ra ngày 27/10, ông Bùi Xuân Tú - Trưởng Bộ phận Quản lý Vận hành của Công ty CP Vũ Phong cho biết, hầu hết các dự án nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam được xây dựng, vận hành theo quy trình châu Âu. Trong quá trình khảo sát, đơn vị xây dựng có quan tâm những vấn đề như chế độ mưa nắng, tình trạng thời tiết tại địa phương đó. Tuy nhiên, do thời gian tìm hiểu ngắn nên chưa đánh giá được hết mức độ rủi ro có thể gặp phải khi nhà máy đi vào vận hành, hoạt động.

Ông Tú lấy ví dụ, khi tiến hành xây dựng dự án ở Ninh Thuận, nhà thầu và nhà thiết kế tính hiện tượng gỉ sét vì đa số điện mặt trời nằm ở miền Trung, nồng độ muối trong nước và không khí cao. Họ có tính đến vấn đề ăn mòn nhưng quá trình thực tế thiết kế để tồn tại 20 năm thì sau 3 năm đã diễn ra tình trạng gỉ sét chân cột nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ mức độ quản lý rủi ro thực tế Việt Nam bị chênh so với tiêu chuẩn châu Âu.

{keywords}
 Hội thảo tham vấn về cuốn "Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” diễn ra trực tuyến ngày 27/10

Sổ tay cho nhà đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam

Từ thực tiễn trên, Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Ngành Năng lượng Việt Nam - EU (EVEF) do Liên minh châu Âu và CHLB Đức đồng tài trợ, triển khai bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, sắp cho ra mắt cuốn "Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam".

Theo giới thiệu của đội ngũ phát triển nội dung, với số lượng lớn các dự án đã vận hành tại Việt Nam, sổ tay sẽ bao gồm các khuyến nghị cụ thể cho các dự án về cách giải quyết những rủi ro đã thành hiện thực và những rủi ro chưa được xem xét từ khi bắt đầu dự án.

Cuốn sổ tay đặc biệt tập trung vào rủi ro kỹ thuật vận hành của các dự án điện mặt trời trên mặt đất; nêu bật các vấn đề quan trọng mang tính kỹ thuật và vận hành đang hiện hữu trong các dự án ở Việt Nam, để giúp quản lý và tránh những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai như điều kiện thời tiết, độ giông ra sao, điều kiện địa phương, điều kiện kỹ thuật, khấu hao xuống cấp, môi trường và xã hội...

Đối tượng độc giả của cuốn sổ tay bao gồm các nhà phát triển dự án và nhà thầu tham gia vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam muốn cải thiện cách tiếp cận nhằm quản lý rủi ro kỹ thuật vận hành trong suốt quá trình phát triển dự án, cũng như chủ sở hữu và đội ngũ vận hành các nhà máy điện mặt trời muốn hoàn thiện hồ sơ rủi ro của dự án đang vận hành.

{keywords}
 Dự án hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam - EU

Ông Koen Duchateau - Trưởng ban Hợp tác phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Bùng nổ điện mặt trời là bước tiến quan trọng trong quá trình tăng tỷ trọng năng lượng tái không dùng thủy điện trong cơ cấu năng lượng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi các dự án điện mặt trời triển khai ồ ạt, các vấn đề rủi ro về kỹ thuật càng trở nên đáng lo ngại và có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào trong vòng đời của dự án, khiến giảm sản lượng hoặc dừng hoạt động nhà máy.

Cuốn sổ tay đã được biên soạn vào đúng thời điểm, khi mà việc quản lý rủi ro ngày càng trở nên quan trọng, nhằm tăng cường tự tin cho chủ đầu tư nhờ việc đảm bảo lợi nhuận, kiểm soát chi phí và tạo điều kiện tăng trưởng tốt hơn”.

Cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” dự kiến được hoàn thiện và công bố vào cuối tháng 11/2021 để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư, nhà phát triển dự án tham khảo, xây dựng và vận hành nhà máy điện trong bối cảnh thị trường năng lượng tái tạo được dự báo tiếp tục phát triển nhờ nhu cầu phục hồi sản xuất - kinh doanh hậu Covid-19.

Lệ Thanh