Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết quan sát thấy các nhà hàng, quán ăn có hai hướng đi rõ rệt gần đây. Hướng thứ nhất là các quán ăn trước đây hoạt động thuần túy offline, bây giờ bắt đầu quan tâm tới hình thức hoạt động online, tham gia vào các nền tảng giao hàng. Đây là luồng chuyển biến rất mạnh, không chỉ diễn ra trên Grab mà còn trên nhiều nền tảng khác, đồng thời là cách thức kinh doanh mới của các mô hình kinh doanh đồ ăn thức uống.
Hướng thứ hai là trong giai đoạn khó khăn, rủi ro cao trong việc kinh doanh, để đảm bảo an toàn và bảo toàn tài chính, nhiều nhà hàng, quán ăn quyết định tạm ngừng hoạt động và chờ dịch qua đi.
Giám đốc điều hàng Grab nhận định hai hướng đi này đang diễn ra song song, nhưng nhìn chung xu hướng chuyển từ offline sang online vẫn đang nổi trội hơn.
Do đó, dù theo xu hướng nào, các nhà hàng, quán ăn nhỏ đều đối mặt với những khó khăn: doanh thu giảm, gánh chi phí lớn trong lúc đóng cửa, tìm kiếm các nền tảng online để thích ứng với công việc kinh doanh mới. Chính lúc này, các nền tảng bắt đầu nhảy vào "giải cứu" đối tác hàng quán.
“Chợ” online bắt đầu mở kênh cho đồ ăn, thực phẩm
Chợ Tốt, trang mua bán rao vặt có 1,6 triệu lượt truy cập mỗi ngày, mới đây tung ra chuyên mục đồ ăn - thực phẩm. Mảng này sẽ cho phép các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng đăng bán đồ ăn, thực phẩm trực tiếp đến người mua.
Khác với các nền tảng Grab, Now, GoViet sẽ có tài xế giao cho khách hàng, người mua và người bán trên Chợ Tốt tự thoả thuận giá cả và phương thức giao dịch, gửi hàng. Hiện tại tin đăng bán đồ ăn, thực phẩm trên Chợ Tốt là miễn phí.
Bà Nguyễn Ngọc Hải Đường, Tổng Giám đốc Chợ Tốt cho biết ngành đồ ăn, thực phẩm đã có thời gian chạy thử nghiệm trên trang này, dự định ra mắt trong tháng 6 năm nay. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nền tảng này đã đẩy nhanh tiến độ để giới thiệu chuyên mục ăn uống ngay trong giữa tháng 4 để hỗ trợ những nhà hàng, quán ăn kịp thời.
Sự ra đời chuyên mục mới của Chợ Tốt giai đoạn này rõ ràng bắt được xu hướng tăng cường mua bán online của người dân, đồng thời giúp được các quán ăn nhỏ lẻ có đầu ra dễ hơn.
Các cửa hàng, quán ăn lên nền tảng này không chịu phí đăng tin, không phải trả chiết khấu, rất hữu ích cho những quán nhỏ vì không phải bỏ số tiền ban đầu.
Các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng cũng gần như ngay lập tức được đăng tin bán sản phẩm của họ lên Chợ Tốt mà không cần chờ được duyệt khi muốn lên các ứng dụng giao nhận.
Dĩ nhiên các ứng dụng giao đồ ăn như Grab, Now sẽ giúp quán ăn quản lý dòng tiền, quán ăn chỉ tập trung chuẩn bị đồ ăn, hàng hoá mà không phải lo vấn đề giao hàng hay thu tiền từ khách.
Thời gian đầu, Chợ Tốt kết hợp với Unilever Food Solutions (UFS) để hỗ trợ các nhà bán hàng. Phía UFS cho biết đã phát triển các công cụ và tài liệu để hỗ trợ cho đầu bếp và doanh nghiệp bán thực phẩm, chẳng hạn các bí quyết về vệ sinh an toàn thực phẩm, vận hành bếp giai đoạn dịch, xu hướng giao thức ăn tận nơi, xây dựng món ăn tăng sức đề kháng hay kiến thức chụp ảnh món ăn.
Chợ Tốt cho biết, có khoảng 1.000 nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM đăng bán trong giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Hỗ trợ phí mặt bằng, tăng khuyến mãi kích cầu
Trong giai đoạn này, các nhà hàng quán ăn phải đóng cửa nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng và một phần lương nhân viên.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân cho hay đang tiếp xúc với một số nhà hàng, quán ăn để có thể hỗ trợ một phần chi phí mặt bằng cho các đối tác của công ty. Tuỳ theo tình hình cụ thể từng đối tác và phụ thuộc doanh thu của họ mà Grab đưa ra mức hỗ trợ phù hợp.
“Chúng tôi không đưa ra một mức hỗ trợ cố định dành cho các đối tác nhà hàng vì quy mô, hoạt động kinh doanh và chi phí mặt bằng của mỗi đối tác là khác nhau. Với những đối tác đủ điều kiện để hỗ trợ, Grab sẽ làm việc để hiểu rõ về những khó khăn tài chính của đối tác, ví dụ là hiểu rõ doanh thu đang ở mức nào, từ đó chúng tôi có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng đối tác đang thực sự cần”, bà Vân cho biết.
Ngoài ra, phía Grab đang hỗ trợ cho khoảng 500 đối tác nhà hàng dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội và TP.HCM thông qua việc thực hiện quảng cáo, khuyến mãi, tăng nhận diện truyền thông để thu hút thêm khách hàng, từ đó có thể tăng doanh thu cho nhà hàng.
Grab áp dụng chương trình miễn phí giao hàng cho một số đơn hàng GrabFood tại Hà Nội và TP.HCM. Toàn bộ chi phí khuyến mại này không ảnh hưởng đến thu nhập của đối tác tài xế.
Tương tự, phía Now cũng kích cầu tiêu dùng nhằm hỗ trợ các nhà bán hàng bằng các chương trình như miễn phí vận chuyển trong 5km; miễn phí vận chuyển khi thanh toán qua ví điện tử liên kết; cùng các chương trình giảm giá 50%, mua 1 tặng 1, đồng giá 10.000 đồng... kết hợp với các đối tác.