Các nhà nghiên cứu từ Khoa Tài nguyên và Khoa học Môi trường thuộc Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (NAU) cho biết, 1kg sầu riêng sẽ thải ra lượng khí thải tương đương khoảng 2kg carbon dioxide (CO2). Đây là kết quả nghiên cứu, thu thập mẫu từ các trang trại ở Hải Nam, vùng sản xuất sầu riêng chính của Trung Quốc.

Trong chu kỳ sinh trưởng của sầu riêng, các quá trình đều tạo ra khí thải carbon như canh tác, tưới tiêu, bón phân và thuốc trừ sâu, đóng gói và vận chuyển.

Cheng Kun, Phó Giáo sư tại NAU, nhận xét, sầu riêng có lượng khí thải carbon cao hơn so với các loại trái cây khác. Những cây sầu riêng của Trung Quốc mới bắt đầu ra quả trong 2 năm qua. Năng suất thấp hơn trong giai đoạn đầu sinh trưởng của cây sầu riêng dẫn đến lượng khí thải carbon cao hơn trên mỗi quả.

Nhằm giải quyết tình trạng này, các công ty trồng sầu riêng bắt đầu sử dụng than sinh khối, do các nhà nghiên cứu từ NAU phát triển, để làm giàu chất hữu cơ trong đất, cải thiện cấu trúc đất và tăng cường khả năng giữ nước và độ phì nhiêu.

sau rieng trung quoc.jpg
Sầu riêng trồng tại Trung Quốc.

Phương pháp này không chỉ cải thiện chất lượng đất và năng suất sầu riêng mà còn làm tăng đáng kể khả năng cô lập carbon trong đất, dự kiến ​​sẽ cắt giảm hơn 30% lượng khí thải carbon.

Là một trong những quốc gia sản xuất nông sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon trong ngành nông nghiệp.

Cam Aiyuan, nổi tiếng là “nữ hoàng của các loại cam", được trồng ở huyện Pujiang, tỉnh Tứ Xuyên. Loại quả này được Hiệp hội công nghệ tiết kiệm năng lượng điện tử Trung Quốc cấp chứng chỉ carbon cuối năm ngoái. Đây là loại trái cây họ cam quýt đầu tiên tại Trung Quốc được chứng nhận trái cây có carbon thấp.

Năm nay, tỉnh Giang Tô công bố các thông số kỹ thuật để cấp chứng nhận nhãn carbon cho trà. Là một trong những tỉnh sản xuất trà lớn nhất cả nước, Giang Tô có khoảng 333,33km2 nông trường trà.

Nghiên cứu cho thấy, lượng khí thải nhà kính trung bình từ các vườn trà cao hơn lượng khí thải từ rau và cao gấp đôi lượng khí thải từ các loại cây ngũ cốc. 

Hiện hơn 30 công ty tại Trung Quốc đã được trao chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp không phát thải carbon.

Zhang Jibing, tổng giám đốc của một trung tâm chứng nhận sản phẩm hữu cơ tại Nam Kinh, cho hay, canh tác không phát thải carbon, gồm các biện pháp như sử dụng phân bón hữu cơ và thực hành nông nghiệp tuần hoàn để cô lập carbon trong đất, do đó cân bằng lượng khí thải carbon tạo ra trong quá trình canh tác.