Vừa qua, Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chi trên và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị biến chứng bàn tay, cổ tay do sử dụng tiêm thuốc giảm đau trong điều trị đau khớp.

Ông Vương Văn T. (sinh năm 1954, Quảng Ninh) là một trường hợp điển hình. Người đàn ông này nhập viện trong tình trạng viêm mủ bao hoạt dịch quay, viêm hoại tử gân duỗi vùng cẳng bàn tay tháng thứ 2 sau tiêm Corticoid khớp và bao gân. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, khớp sưng to, nóng đỏ, đau nhức... do tiêm vào khớp.

Người bệnh được phẫu thuật dẫn lưu mủ, mổ nạo vét hoại tử, cắt lọc mô viêm kết hợp dùng kháng sinh. Theo bệnh nhân T., cách đây 2 năm, ông bị đau khớp nên đã đến phòng khám tư để chữa trị. Sau 2 lần tiêm trực tiếp vào khớp, cơn đau đỡ hẳn, song đến mũi tiêm thứ ba, ông không thể đi lại được vì khớp chân sưng phù.

Một trường hợp khác là anh Đỗ Văn P. (sinh năm 1982, Nam Định) bị nhiễm trùng bàn tay phải. Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 10 tháng, anh bị tai nạn lao động do dây quật vào mặt trước đầu cẳng tay dưới bàn tay phải, không có vết thương. 

Do bị đau nhiều ở chỗ quật, anh đi tiêm thuốc nhằm giảm đau. Sau tiêm, cơ thể bệnh nhân xuất hiện vết loét chỗ tiêm và chảy dịch vàng. 

Hiện nay, không ít người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Tuy nhiên không ít trường hợp chỉ đến mũi tiêm thứ hai đã bị biến chứng nhiễm trùng, teo cơ, cứng khớp, mất chức năng vận động. 

Chăm sóc vết thương cho người bệnh bị biến chứng bàn tay do tiêm thuốc giảm đau điều trị đau khớp

Các bác sĩ cho biết viêm khớp là triệu chứng có các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp. Bệnh thường gặp ở tuổi bắt đầu của sự lão hóa, nhưng cũng có thể xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng nhiễm trùng khớp, teo cơ, cứng khớp... chỉ vì lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, nhất là Corticoid.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Chủ nhiệm khoa Nội - Cơ Xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý khớp. Biện pháp tiêm Corticoid vào khớp là một trong số biện pháp cho tác dụng giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng vài tuần tới vài tháng. 

Tuy vậy, đây chỉ là một biện pháp điều trị trong cả liệu trình điều trị cho một số bệnh lý xương khớp. Chính vì vậy, phương pháp này bắt buộc phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có kiến thức và tay nghề. Thực tế, có không ít trường hợp lạm dụng việc tiêm vào khớp để trị bệnh đã và đang bị các biến chứng không hồi phục như: teo cơ, loãng xương, suy tuyến thượng thận, mất chức năng vận động, tàn phế...

Bác sĩ Châu cảnh báo, nhiều bệnh nhân thấy tác dụng giảm đau nhanh của việc tiêm vào khớp nên chấp nhận thủ thuật này đã gây ra hậu quả khó lường. Người bệnh cần khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa được phép, để có được chẩn đoán, điều trị đúng và đặc biệt là chỉ định tiêm đúng, quá trình tiêm khớp phải đảm bảo vô khuẩn tốt (phòng tiêm, vị trí tiêm, dụng cụ tiêm). Người dân hết sức tránh lạm dụng tiêm Corticoid tại khớp để điều trị đau (không được tùy tiện đau đâu tiêm đấy, hoặc cứ đau là tiêm…).

Ghi nhận chùm ca bị “chết xương” trên người từng mắc Covid-19Chỉ 2 tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy có 11 bệnh nhân bị viêm hoại tử nặng xương sọ, hàm mặt và đã từng mắc Covid-19. Hai ca tử vong rất nhanh trong sự choáng váng của bác sĩ.