Sau thành công của VinFast khi chính thức chào bán cổ phiếu trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8 vừa qua, hôm nay (24/8) Công ty cổ phần VNG vừa đưa ra thông báo VNG Limited đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). 

VNG Limited, cổ đông của VNG, dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”. Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc. sẽ là các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này. Quy mô giao dịch và khoảng giá chào bán hiện chưa được xác định.

VNG cho biết, hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh và chưa được Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) công bố hiệu lực.

Như vậy sau hơn 12 năm với giấc mơ đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế của ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG, nhiều khả năng sắp trở thành hiện thực.

Cụ thể, giữa năm 2010 chia sẻ với Forbes, ông Lê Hồng Minh cho biết, giấc mơ của ông là đưa cổ phiếu VNG xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế như Nasdaq hay Hong Kong. Năm 2017, VNG đã ký bản ghi nhớ về dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq tại New York (Mỹ). 

Năm 2021, VNG đưa ra phương án niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), giống với mô hình VinFast thực hiện vừa qua.

Tháng 7/2022, nhiều thông tin cho biết, VNG sẽ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ vào đầu năm 2023, với mục tiêu chào bán 12,5% cổ phần trong đợt IPO trên sàn Nasdaq. 

Tuy nhiên, ngay sau đó kế hoạch niêm yết tại Mỹ của VNG đã không diễn ra như dự kiến. Thay vì lên sàn Nasdaq, ngày 5/1/2023, VNG đã chính thức niêm yết trên sàn Upcom với 35.844.262 cổ phiếu có mã “VNZ”, trong đó, 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Mức giá lúc VNZ lên sàn là 240.000 đồng/cp, tính theo mức giá này, VNG có vốn hóa 8.592 tỷ đồng.

Trên sàn Upcom, đã có thời điểm cổ phiếu “VNZ” đã trở thành cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và có 10 phiên trần liên tiếp, trong đó có thời điểm đạt mốc 1,4 triệu đồng/cổ phiếu, đưa vốn hoá công ty lên tới hơn 39.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng giao dịch cổ phiếu “VNZ” tương đối hạn chế ở các phiên khi từ vài trăm lên đến vài nghìn cổ phiếu. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của VNG đang có giá 1.120.000 đồng/cổ phiếu và đang có chiều hướng tăng. 

Được thành lập từ năm 2004, VNG đã nỗ lực vươn lên từ một công ty khởi nghiệp 5 người để trở thành công ty công nghệ có hệ sinh thái số lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm và dịch vụ gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dùng. Theo Newzoo, VNG hiện là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam và đang mở rộng nhanh chóng ở thị trường toàn cầu, đồng thời sở hữu Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam với hơn 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo F&S. Các sản phẩm tiêu biểu khác của VNG bao gồm Zing MP3 (nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam với hơn 28 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo F&S) và ZaloPay (ví điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, theo F&S).

Nasdaq (National Association of Securities Dealers Automated Quotation System) là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai tại Mỹ hiện nay, chỉ sau Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Tính đến cuối tháng 10/2022, quy mô vốn hóa của sàn giao dịch chứng khoán này đạt hơn 17.000 tỷ USD. Nasdaq là nơi nhiều công ty công nghệ lớn lựa chọn để giao dịch cổ phiếu. Các cổ phiếu công nghệ thông tin tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn hai năm gần đây đã giúp quy mô vốn hoá của Nasdaq mở rộng rất nhanh, từ mức chỉ hơn 11.000 tỷ USD hồi năm 2018.

Sàn Nasdaq chia làm ba phân khúc riêng biệt, gồm The Nasdaq Global Select Market, The Nasdaq Global Market và The Nasdaq Capital Market. Trong đó, yêu cầu để đưa cổ phiếu lên The Nasdaq Global Select Market nghiêm ngặt hơn hai sàn giao dịch còn lại.