Dù đe dọa có thể dùng cả kho hạt nhân để chống lại Triều Tiên song nhiều khả năng Mỹ sẽ chỉ áp đặt thêm nhiều trừng phạt với quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên.
Dưới đây là một số lựa chọn mà chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sử dụng để kiềm chế chương trình thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch mới nhất của nước này.
Theo Thời báo Israel, giới phân tích hy vọng những thử thách mới từ việc mở rộng trừng phạt kinh tế với Triều Tiên có thể khiến lãnh đạo nước này là Kim Jong Un phải chùn bước.
Tấn công quân sự? Khó xảy ra
Vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Triều Tiên dường như không làm thay đổi cán cân giữa nước này với Mỹ, dù nó khiến Washington lớn tiếng hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 3/9 nói, "bất kỳ mối đe dọa nào với Mỹ hoặc lãnh thổ của Mỹ hay của các nước đồng minh, đều sẽ bị đáp trả bằng quân sự hùng hậu".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump cũng viết trên Twitters về Triều Tiên như sau: "họ chỉ hiểu một thứ duy nhất", có thể là vũ lực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vũ lực rõ ràng là có những hạn chế. "Không có giải pháp quân sự nào khả thi vì nếu tấn công Triều Tiên, một cuộc chiến toàn diện sẽ bùng nổ", Mark Fitzpatrick, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ nhận xét.
Hiện, Triều Tiên đã huy động các đơn vị pháo binh mạnh tới biên giới với Hàn Quốc, lực lượng này có khả năng phá hủy Seoul, thành phố với 10 triệu dân và chỉ cách Triều Tiên khoảng 55km. Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, xung đột lớn giữa hai miền nam bắc Triều Tiên sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột khu vực.
"Vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Triều Tiên không làm thay đổi bản chất thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Một vụ thử như vậy không cần đáp trả về quân sự và điều đó là thích hợp vì chúng ta không có giải pháp nào có thể thực hiện được", Jon Wolfsthal, chuyên gia của Viện hòa bình quốc tế Carnegie Endowment.
Gây sức ép quân sự
Không tấn công, Mỹ có thể tăng cường sức ép quân sự lên Bình Nhưỡng. Trước vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí củng cố năng lực tên lửa của Hàn Quốc như một cách để gia tăng khả năng ngăn chặn.
"Những lựa chọn quân sự có thể thực hiện bao gồm cả việc đưa thêm vũ khí, khí tài vào khu vực. Hãy nhớ rằng Hàn Quốc đang muốn xem xét việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ - một việc phức tạp nhưng có thể làm được", ông Fitzpatrick nói.
Quân đội Mỹ đã rút toàn bộ vũ khí chiến lược khỏi Hàn Quốc cách đây 25 năm.
Một hình thức gây sức ép khác mà không cần dùng tới vũ khí - đó là kiểu tuyên bố hiếu chiến "lửa và cuồng nộ" mà Tổng thống Trump sử dụng. Hôm 3/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis thậm chí còn đề cập tới khả năng "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên", nếu Bình Nhưỡng đẩy vấn đề tới đỉnh điểm.
Tuy nhiên, những tuyên bố lớn tiếng cũng có giới hạn. Hồi tháng trước, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đổ "lửa và cuồng nộ" lên Triều Tiên, Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đã bắt đầu "biết tôn trọng chúng ta" thì vài ngày sau đó Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật. Tiếp đó, hôm 3/9, Triều Tiên lại thử một quả bom nhiệt hạch với sức công phá mạnh hơn nhiều lần quả bom hạt nhân từng phá hủy Hiroshima.
Đánh vào túi tiền của Triều Tiên
Chính quyền Mỹ dường như đang ngả theo hướng trừng phạt kinh tế.
"Mỹ đang cân nhắc dừng mọi giao dịch với bất cứ quốc gia nào làm ăn với Triều Tiên", Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay, ông sẽ đệ trình một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đề Tổng thống Trump cân nhắc. Việc trừng phạt này sẽ nhằm vào bất kỳ nước nào giao dịch với Triều Tiên. Quan chức này cho hay, ông muốn làm việc với các đồng minh của Mỹ, với Trung Quốc - nước hiện mua 90% số hàng xuất khẩu của Triều Tiên.
Hôm 22/8, Mỹ tuyên bố trừng phạt chống 6 cá nhân và 10 công ty của Nga, Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên.
Mỹ đứng sau lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc chống Triều Tiên. Trừng phạt lần 7 này nhằm vào doanh thu của Triều Tiên từ việc bán than, sắt và hải sản. Bước tiếp theo của LHQ có thể là cấm Triều Tiên một phần hoặc toàn bộ việc xuất khẩu dầu.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới có thể đòi hỏi Nga và Trung Quốc trục xuất các lao động Triều Tiên làm việc tại hai nước này khi người lao động vốn là nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Bình Nhưỡng.
Hoài Linh
Triều Tiên xác nhận thử bom H
Chính quyền Kim Jong Un xác nhận đã thử hạt nhân lần thứ 6 và lần này là bom H có thể lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Đảo Nga 'biến mất bí ẩn' sau khi Triều Tiên thử tên lửa
Hòn đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương đã biến mất một phần khỏi dịch vụ bản đồ Yandex của Nga.
Máy bay Mỹ 'ném bom' Bán đảo Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc hôm 31/8 đã diễn tập ném bom dọc biên giới Hàn Quốc với Triều Tiên
Putin nói về độ nguy hiểm trên bán đảo Triều Tiên
Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã leo thang và hiện ở ngưỡng một cuộc xung đột quân sự toàn diện, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.