Không phải tất cả xu hướng công nghệ phổ biến trong 10 năm qua đều tốt đẹp, có những thứ khiến cho cuộc sống trở nên tồi tệ hơn.
Cuộc gọi lừa đảo. Thập kỷ qua là thời điểm bùng nổ các cuộc gọi lừa đảo, kể cả cuộc gọi thực hiện tự động. Bất chấp những nỗ lực từ cơ quan quản lý và nhà mạng, vấn nạn này vẫn tồn tại phổ biến, gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Chưa có cách nào để chặn hoàn toàn những cuộc gọi quấy rối.
Các vụ kiện tụng. Nhiều người không biết về vụ kiện tranh chấp bản quyền giữa Apple và Samsung, nhưng với các nhà báo công nghệ, nó đã "lấy đi 7 năm cuộc đời". Cuộc chiến kết thúc bằng một cú bắt tay vào tháng 6/2018 với nội dung đàm phán được giữ kín. Có tin đồn rằng Samsung đã trả cho Apple khoảng 1 tỷ USD để dàn xếp mọi thứ trước nguy cơ thị trường smartphone toàn cầu sụp đổ với phán quyết của tòa án. Trong ảnh, họa sỹ Vicki Behringer pháo thảo chân dung Susan Kare, người đã tạo ra các biểu tượng của máy Macintosh đang làm chứng cho Apple trong một phiên xét xử.
Thiết bị bốc cháy. Rất nhiều vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ thiết bị công nghệ đã xảy ra trong thập kỷ qua, tai tiếng nhất là dòng Galaxy Note 7 của Samsung. Nỗ lực giảm kích thước pin đã khiến cho smartphone này trở thành một quả bom hẹn giờ trong túi người dùng. Vấn đề nghiêm trọng đến mức nhà sản xuất Hàn Quốc phải thu hồi toàn bộ và khai tử Note 7, bất chấp những nỗ lực sửa chữa phần mềm lẫn phần cứng. Ngoài smartphone, nhiều vụ cháy nổ khác cũng xảy ra với xe cân bằng, thuốc lá điện tử, pin mặt trời, laptop.
Nguy cơ mất an toàn giao thông do công nghệ. 10 năm qua là thời điểm nguy hiểm đối với mọi người di chuyển trên những phương tiện có trang bị tính năng an toàn công nghệ cao. Trong vòng 5 tháng, có 346 người chết vì những vụ tai nạn máy bay Boing 737 Max. Theo các báo cáo bước đầu, lỗi cảm biến và phần mềm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa. Với phương tiện di chuyển trên mặt đất, lỗi túi khí Takata có mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Trước khi các nhà sản xuất thu hồi 41,6 triệu chiếc xe hơi để sửa chữa, sự cố này liên quan tới 23 người chết và hàng trăm người bị thương. Ngoài ra, xe tự hành cũng gây vụ tai nạn chết người đầu tiên vào tháng 3/2018 và không ít vụ tai nạn khác do xe đạp điện, xe máy điện gây ra.
Sự lố bịch và ích kỷ của selfie. Theo thống kê chưa đầy đủ của Wikipedia, có gần 300 người chết vì selfie kể từ khi tính năng này được phổ biến vào năm 2010 đến nay. Nhiều hành vi chụp hình tự sướng diễn ra một cách điên rồ, ngớ ngẩn, bất chấp tính mạng, ví dụ như selfie gần thú hoang hung dữ, trước đầu tàu tốc hành, trên đỉnh tòa nhà, vực sâu, miệng núi lửa... Cũng có những hành động vô cảm như selfie khi giết hại động vật, phá quan cảnh, hủy hoại tác phẩm nghệ thuật.
Hạn mức dữ liệu di động. Trong khi công nghệ dữ liệu di động tiến như vũ bão, từ 3G đến 4G và hiện tại là 5G, các nhà mạng vẫn cung cấp cho người dùng gói dịch vụ "không giới hạn" trong một phạm vi nào đó. Hình thức phổ biến được áp dụng là khách hàng chỉ dùng được mạng tốc độ cao trong mức nhất định, khi dung lượng sử dụng vượt mốc, tốc độ sẽ bị "điều chỉnh" xuống đáng kể.
Loạn dịch vụ thuê bao. Cho thuê sử dụng sản phẩm theo thời gian không phải là hình thức kinh doanh mới, từ 1926 đã xuất hiện dịch vụ thuê sách. Thập kỷ qua là thời điểm bùng nổ các hình thức dịch vụ thuê bao. Sau khi Netflix thu được thành công lớn với dịch vụ xem phim, các tên tuổi khác như Disney, HBO bắt đầu nhảy vào thị trường. Ngoài lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc, các nhà cung cấp còn mở rộng sang loại hình thuê bao chơi game, ví dụ như Apple Arcade.
Sự trỗi dậy của vũ khí mạng. Các cuộc tấn công mạng không còn dừng lại ở mức độ gây thiệt hại kỹ thuật số, nó có thể gây ra những thiệt hại vật lý rộng lớn, chẳng hạn như cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân Iran vào năm 2010 và mạng lưới điện tại Ukraina năm 2016. Mã độc tiếp tục tiến hóa trong những năm vừa qua bằng thủ đoạn "bắt cóc dữ liệu" đòi tiền chuộc. Từ năm 2017, tin tặc sử dụng WannaCry để tống tiền chính quyền một số nơi trên thế giới.
Vi phạm quyền riêng tư. 10 năm qua, công nghệ bùng nổ song hành cùng sự vi phạm quyền riêng tư. Hệ thống camera giám sát đã có mặt khắp nơi. Với sự hiện diện của AI, nó nhanh chóng biến thành gián điệp công nghệ. Chính bản thân người dùng cũng thỏa hiệp, đánh đổi sự riêng tư để có cuộc sống tiện lợi hơn với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, nhà thông minh. Kể cả những tên tuổi khổng lồ như Amazon, Google, Facebook cũng bị phát hiện thu thập và sử dụng dữ liệu riêng tư của người dùng trái phép, sai mục đích cam kết.
Lỗ hổng bảo mật và rò rỉ dữ liệu. Một khi dữ liệu của người dùng đã bị thu thập tràn lan, nó đối diện với nguy cơ bị rò rỉ, phát tán do các lỗ hổng bảo mật. Từ 2010 đến 2018, xuất hiện hàng loạt các vụ lộ dữ liệu của Yahoo, Adobe, Equachus, Sony PlayStation Network, Target, LinkedIn, Marriott và Facebook. Những sản phẩm có tính phổ biến cao như CPU Intel cũng tồn tại lỗ hổng nghiêm trọng, tin tặc có thể sử dụng để xâm nhập vào thiết bị của người dùng.
Mặt tối của truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội không xấu, nhưng dường như nó được trao quyền hạn quá lớn. Chúng ta đang sống ở thời kỳ mà mọi vấn đề đều có thể xuất hiện trên Internet, được mọi người bàn tán, đánh giá vào tạo ra những luồng dư luận mạnh mẽ. Bên cạnh những điều tốt đẹp, truyền thông xã hội cũng lan truyền sự thù hận, đố kỵ, tôn sùng bạo lực. Tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng, các nhân vật chính trị không ít lần gây nên sóng gió, điển hình nhất là Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với những thành tựu công nghệ mới, như deepfakes, trong tương lai mặt tối của truyền thông xã hội tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.