VietNamNet trò chuyện với nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng QH Nguyễn Viết Chức về đề án Văn hoá công vụ.
Ra đời kịp thời
Thủ tướng vừa phê duyệt đề án Văn hóa công vụ nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Ông đánh giá sao về đề án này?
Việc phê duyệt đề án này hoàn toàn là đúng lúc, kịp thời, khi toàn Đảng, toàn dân đang quyết tâm chống tham nhũng, rồi mới đây TƯ cũng ra quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng QH Nguyễn Viết Chức |
Cán bộ, công chức có thể nói đa phần là đảng viên, đảng viên thì phải nêu gương. Bộ Chính trị, TƯ, lãnh đạo các cấp nêu gương cái gì thì cán bộ, công chức cũng phải nêu gương.
Đề án của Chính phủ không những tiếp nối quy định về trách nhiệm nêu gương mà còn làm rõ hơn, là mọi công chức dù là đảng viên hay chưa thì cũng phải phục vụ nhân dân là chính.
Năm 2019 là năm bản lề, cán bộ, công chức càng phải tốt hơn. Để chuẩn bị chương trình đề án tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ thì cán bộ, công chức cũng phải thể hiện mình, ai không thể hiện mình được, không thể hiện đúng theo quy định, quy chế đã được đặt ra là loại khỏi đội ngũ.
Việc kịp thời cũng thể hiện qua chiến dịch sàng lọc đảng viên để làm cán bộ, đảng viên trong sạch.
Trong đề án có nội dung công chức, viên chức không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng. Ông có bình luận gì?
Nội dung đề án có nhiều cái mới, đặc biệt là nói thẳng vấn đề công chức, viên chức không được trốn tránh nhiệm vụ và những vấn đề công việc cần phải xử lý, không nịnh bợ cấp trên…
Những quy định này đã nói khá cụ thể vào những căn bệnh lâu nay nhiều cán bộ công chức, viên chức của chúng ta mắc phải. Đó là việc dễ thì mình làm, việc khó thì tránh. Đối với cấp trên thì nịnh bợ, với cấp dưới thì bắt nạt, mất dân chủ, rồi gây phiền hà, nhũng nhiễu với nhân dân…
Đề án đã quy định rõ và cụ thể như vậy mà cán bộ công chức, viên chức còn không thực hiện thì đến bao giờ mới thực hiện. Quy định này là cơ sở để sắp xếp lại bộ máy, tinh giản bộ máy, những người nào không đáp ứng được, không thực hiện đúng thì không còn lý do gì để tồn tại trong bộ máy được nữa.
Cấp trên không ưa nịnh thì cấp dưới nịnh vào đâu
Nhiều ý kiến cho rằng việc nịnh bợ, lấy lòng cấp trên để được việc cho mình thì hầu như ai cũng thích?
Cấp trên mà không ưa nịnh thì cấp dưới cũng không nịnh được. Cấp trên thậm chí chỉ thẳng, dạy dỗ, bảo ban những cán bộ cấp dưới mà hay nịnh bợ là “đồng chí không cần phải nịnh tôi, đồng chí cứ hoàn thành nhiệm vụ đi, nịnh tôi là tôi không thích đâu, nịnh tôi lần 1 là tôi tha, lần 2 là kỷ luật", như thế là sẽ được thôi.
Bây giờ người dân còn băn khoăn đo thế nào là nịnh, thế nào là trung thực, trung thành. Trung thành phải hiểu là trung thành với lợi ích của dân tộc, của Đảng, của nhân dân chứ không phải trung thành với ông sếp cụ thể đó. Ông cụ thể đó sai be sai bét mà lại cứ bắt trung thành. Nịnh bợ lại cứ bảo không sao cả, cuối cùng cả nhóm lao vào tội lỗi.
Cũng có ý kiến nói rằng chẳng ai thích nịnh cấp trên cả, nhưng không nịnh thì sẽ khó được yên thân. Muốn xóa bỏ thì phải chỉnh đốn từ lãnh đạo chứ không nên đỗ lỗi cho cấp dưới?
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. Cấp trên phải gương mẫu, cấp trên mà ưa nịnh, thậm chí là ưa nhận hối lộ thì cấp dưới mới phải hối lộ.
Cấp trên phải hiểu là họ không được ưa nịnh bợ, ai mà ưa nịnh bợ thì họp kiểm điểm, phải tu dưỡng, loại bỏ cấp trên đấy trước. Vì chẳng có cấp dưới nào lại thích phiền hà, cấp dưới chỉ muốn làm được việc nhiều, hiệu quả để báo công với cấp trên chứ không phải chạy cửa sau, lót tiền cho người thân như vợ sếp, nịnh bợ sếp mới được đánh giá tốt.
Không có cấp dưới nào muốn thế cả, chẳng qua cấp trên không gương mẫu.
Công chức không được nịnh bợ cấp trên vì động cơ không trong sáng
Công chức, viên chức không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Hương Quỳnh