Lãnh đạo Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ, các ủy ban, ban thuộc Bộ, thương vụ tại nước ngoài, người được Bộ cử làm Kiểm soát viên, đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần thuộc Bộ... phải kê khai, xác minh tài sản, thu nhập.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty... thuộc ngành Công Thương thực hiện nghiêm công tác minh bạch tài sản, thu nhập.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng quy định về việc xây dựng, triển khai kế hoạch, thực hiện kê khai, công khai bản kê khai, xác minh, xử lý về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2016.

Bộ Công Thương giao Thanh tra Bộ làm đầu mối thanh tra, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo công tác minh bạch tài sản, thu nhập của Bộ Công Thương. 

{keywords}
Bộ Công Thương muốn minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ.

Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức kê khai, công khai, tổng hợp, báo cáo về minh bạch tài sản, thu nhập của khối cơ quan Bộ. Việc này bao gồm cả lãnh đạo Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ, Ủy ban, Ban thuộc Bộ, Thương vụ tại nước ngoài, Người được Bộ cử làm Kiểm soát viên, đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần thuộc Bộ...

Lương của lãnh đạo các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước nói chung cũng như các DNNN thuộc Bộ Công Thương nói riêng luôn được dư luận quan tâm.

Chẳng hạn, năm 2015, lãnh đạo Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam có mức thu nhập bình quân là 52 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương bình quân là 48,4 triệu đồng/tháng.

Tại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), năm 2015, thu nhập trước thuế của chủ tịch EVN là 618 triệu; tổng giám đốc nhận 606 triệu đồng. Cao nhất là ông Mai Quốc Hội, thành viên HĐTV với thu nhập 867 triệu đồng. Sở dĩ thu nhập của ông Mai Quốc Hội cao là do trước đó ông còn là người đại diện vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP An Bình.

Còn tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, mỗi lãnh đạo Tổng công ty nhận trung bình 44,1 triệu đồng/người/tháng. Tính cả năm 2015, mỗi lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đang nhận 528 triệu đồng/người/năm.

Mới đây, Bộ trưởng Công Thương cũng đã có chủ trương thu hẹp các Vụ, Cục, Viện để giảm sự cồng kềnh của bộ máy. Dự kiến đợt sắp xếp này sẽ giúp Bộ Công Thương giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối. Số đơn vị sau khi sắp xếp lại giảm 7 đơn vị so với hiện tại.

Cụ thể, Tổng cục Năng lượng dự kiến tách thành một cục và 2 vụ; Còn Vụ Thị trường thương mại Miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp.

Ngoài ra, Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp; Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước đây tách ra từ Vụ tổ chức ), nay nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam ( trước kia là văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại TP.HCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ,...

Ngoài ra, 2 viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Thương mại và Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp nhập thành một Viện.

L.Bằng