Nữ thứ trưởng Bộ Công Thương về hưu, thay Tổng giám đốc TCT Xi măng, khởi tố Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khi, xét xử Hà Văn Thắm,... là những thông tin đáng chú ý tuần qua. Ngoài ra, những câu chuyện làm giàu vẫn được nhiều người quan tâm.
Sếp cũ Tập đoàn Dầu khí về bộ làm nhân viên
Ông Nguyễn Quốc Khánh, cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam, đã về làm việc tại Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án về điện có trụ sở đặt tại Bộ Công Thương. Ông Khánh không giữ chức vụ gì tại nơi làm việc mới.
Trước đó, ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg về thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Vào tháng 1/2016 ông Khánh được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐTV PVN sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức và bị bắt sau đó do liên quan tới những sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Sếp dầu khí về Bộ Công Thương làm nhân viên |
Bà Hồ Thị Kim Thoa được nghỉ hưu
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1/9/2017.
Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Như vậy, kể từ ngày 16/8/2017 bà Hồ Thị Kim Thoa đã không còn là Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Bất ngờ thay TGĐ Tổng công ty Xi măng Việt Nam
Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa được cho thôi chức. Người được bổ nhiệm thay vị trí của ông Thắng là ông Bùi Hồng Minh, Phó Tổng giám đốc.
Nguyên nhân ông Trần Việt Thắng được cho thôi chức, là do một số sai phạm trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Xi măng Việt Nam và một số đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty này trong thời gian ông Thắng làm Tổng giám đốc.
Bị can Quỳnh và Thắng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. |
Khởi tố, bắt tạm giam Phó TGĐ cùng nhiều nguyên lãnh đạo PVN
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can 5 đối tượng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, được quy định tại Điều 165 - Bộ luật hình sự.
5 bị can gồm: Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường; ra Lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú 2 đối tượng: Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường; và khám xét nơi ở, nơi làm việc các đối tượng nêu trên.
Việc khởi tố này để phục vụ hoạt động điều tra đối với vụ việc góp vốn của Tập đoàn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) trong giai đoạn trước đây.
Dừng quyền điều hành Tổng giám đốc Habeco
Ngày 30/8, lãnh đạo Habeco cho hay HĐQT Habeco đã ra Nghị quyết về việc tạm dừng quyền điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Linh.
Một thành viên ban lãnh đạo Habeco dự họp cho hay, HĐQT Habeco trước đó đã họp kín và đã thống nhất ra Nghị quyết về việc ông Nguyễn Hồng Linh tạm dừng nhiệm vụ điều hành trên cương vị Tổng giám đốc, để tập trung cho công việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco và thu hồi công nợ, xử lý các việc liên quan giữa Công ty Cổ phần bia Hà Nội - Nghệ An và Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào.
Nữ đại gia trong vụ Hà Văn Thắm
Hứa Thị Phấn là cái tên liên quan đến cả hai vụ đại án tại VNCB và OceanBank. Nữ đại gia này cũng là "mắt xích" quan trọng trong thương vụ giữa Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm.
Bà Hứa Thị Phấn hay còn được biết đến với cái tên Sáu Phấn, quê ở An Giang. Năm 2001, bà đã tham gia lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Công ty hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Trong đại án xảy ra tại OceanBank, bà trùm Sáu Phấn có liên quan trực tiếp tới khoản vay 500 tỷ đồng của Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB, tại nhà băng này.
Bà Hứa Thị Phấn |
Trong 4 ngày, đại gia taxi truyền thống Mai Linh đã mất hơn 311 tỷ đồng vốn hóa vì giá cổ phiếu MLN liên tục giảm sàn sau khi niêm yết trên UPCoM. 2 cổ đông lớn khác của công ty là ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT - nắm giữ 11,18% vốn và ông Hồ Chương sở hữu 10,21% vốn.
Mai Linh cũng được xem là doanh nghiệp của gia đình họ Hồ khi phần lớn cổ phần doanh nghiệp này cũng như các vị trí lãnh đạo cấp cao đều nằm trong tay anh em nhà ông Hồ Huy.
Ngoài nắm giữ vị trí Chủ tịch tại Mai Linh Miền Bắc, ông Hồ Huy còn là Chủ tịch của Tập đoàn Mai Linh; Công ty Mai Linh Miền Trung; Mai Linh Đông Nam Bộ; Tây Nam Bộ và Mai Linh Nam Trung Bộ & Tây Nguyên.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp xây nhà máy sản xuất ôtô
Sau khi thành công với bất động sản, bán lẻ, y tế, giáo dục, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thể hiện ý đồ đầu tư vào lĩnh vực mới, bắt đầu là sản xuất ôtô.
Ngày 22/6, Hội đồng quản trị Vingroup ra quyết định thành lập Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinVinfast. Vingroup góp vốn 500 tỷ đồng, chiếm 100% vốn điều lệ của công ty này. Trụ sở chính của đặt tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội). Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của nhiều công ty con khác trong hệ thống của Vingroup.
Ông Hậu với đàn vịt hậu bị |
Chúa vịt đất Bắc nhặt cả... tải tiền
Ông Dương Trung Hậu ở thôn 9, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, Hà Nam trở thành “chúa vịt đẻ đất Bắc”. Năm đầu tiên, ông chỉ nuôi 5.000 con vịt đẻ siêu cao cổ, thắng lớn.
Ông cho biết: “Giống vịt siêu cao cổ xuất xứ từ tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc do tôi tự nhân dòng và ấp nở có tỷ lệ đẻ trứng lên tới 83%. Trung bình mỗi ngày tôi thu được 40.000 quả trứng. Ở miền Bắc này, tôi là người nuôi nhiều vịt đẻ nhất”.
Muốn thành công, cần khai phá con đường của riêng mình. Con đường ấy tuy chông gai và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Anh có thể vấp ngã nhưng đừng nằm xuống, hãy đứng lên và tiến về phía trước. Đó là triết lý của ông - "chúa vịt đất Bắc".
Bảo Anh (Tổng hợp)