Sự kiện áo dài Lính và Lụa do Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM và Cục Chính trị Quân khu 7 tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022). 

Các người mẫu diễn một số mẫu trong buổi họp báo. 

Đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu sự kết hợp lần đầu giữa hình tượng người lính và áo dài từ tơ lụa. Trong đó, hình ảnh người lính là hiện thân của sự hy sinh, khổ luyện ngày đêm vì sự bình yên của đất nước. Lụa được ví như hình ảnh người phụ nữ Việt, mềm mại, ấm áp nhưng dẻo dai, bền bỉ đi cùng năm tháng, mang đậm nét văn hoá người Việt. 

Theo ban tổ chức, “Lụa” và “Lính” là hai hình tượng được lồng ghép như những người mẹ, người vợ, hậu phương vững chắc luôn đồng hành cùng người lính, là điểm tựa tinh thần to lớn cho những nỗ lực, tính kiên trì, cho những chiến thắng. Cả hai là sự kết hợp mang nhiều ý nghĩa: tôn vinh người lính trong vẻ đẹp oai hùng và vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ Việt Nam.  

NTK Minh Hạnh chia sẻ về ý tưởng thực hiện show diễn. 

Nhà thiết kế Minh Hạnh – người phụ trách chính show diễn - cho biết chị muốn kết hợp cả 2 yếu tố lại để thể hiên ý niệm về sự hy sinh. “Chúng tôi sẽ kể những câu chuyện với những thông điệp riêng, vừa phản ánh văn hóa đồng thời cho thấy sự sáng tạo nét mới. Tham vọng của chúng tôi là mang áo dài với hình tượng người lính vươn ra quốc tế”, NTK Minh Hạnh chia sẻ. 

Minh Hạnh cho biết thêm ngoài tơ lụa, các NTK còn sử dụng một số chất liệu khác. Sshow diễn gồm 12 bộ sưu tập của 12 NTK với tổng cộng 285 bộ trang phục. Chị và ê-kíp kỳ vọng sẽ mang đến một chương trình quy mô, hoành tráng nhưng đảm bảo những yếu tố chuẩn mực phù hợp với môi trường quân đội. Ngoài Minh Hạnh, các BST áo dài được các nhà thiết kế Cao Duy, Nguyễn Thúy, Lê Kyo, Công Huân, thực hiện trên nền vải lụa.

"Sau show diễn, chúng tôi sẽ trao tặng toàn bộ áo dài cho Bảo tàng Quân đội lưu giữ. Tôi không bao giờ bán các mẫu này và không cho phép các nhà thiết kế nào làm để bán trên thị trường", Minh Hạnh nhấn mạnh. 

Các bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ những ca khúc đã thấm sâu vào ký ức hào hùng về người lính: Hát về cây lúa hôm nay thể hiện tình quân dân thắm thiết, sâu đậm; diễn đạt bốn mùa chuyển động trên con đường Trường sơn huyền thoại được lấy cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ, Lá xanh; nét oai hùng trong sáng của người lính là cảm hứng từ ca khúc 5 anh em trên một chiếc xe tăng... 

Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 21/12, tại Quân khu 7, TP.HCM với khoảng 700 khách mời là cán bộ các cơ quan ban ngành, giới truyền thông. Ban tổ chức cho thu hình, sau đó biên tập và phát sóng trên các kênh truyền hình cho khán giả theo dõi.