Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo là thông tư 36 cần phải có lộ trình thích hợp và thời điểm áp dụng hợp lý. Chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía ngân hàng nhưng các động thái về việc sửa đổi và ban hành thông tư 36 có vẻ như đã tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN.

Liên quan tới dự thảo thông tư 36, tại tọa đàm Cơ hội đầu tư BĐS trong bối cảnh mới, ông Nam cho biết, Hiệp hội BĐS Việt Nam là tổ chức đầu tiên gửi văn bản lên Thủ tướng, Thống đốc NHNN, Bộ Xây dựng kiến nghị dự thảo Thông tư 36, trong đó có 2 nội dung: Giảm vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn; và tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ 150 lên 250%.

Ông Nam phân tích, nguồn vốn cho các dự án BĐS, theo quy định các chủ đầu tư phải có từ 15 – 20% nguồn vốn bởi đối với các dự án quy mô vài trăm héc ta thì cần vài chục đến hàng trăm nghìn tỷ.

Thông thường, việc huy động của khách hàng qua các giai đoạn, luật quy định chỉ được thu đến 70%. Do vậy, nguồn vốn vay từ ngân hàng đến từ 40 – 50% tổng mức đầu tư dự án. Một số ít DN BĐS huy động được vốn qua thị trường chứng khoán nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Các quỹ tín thác, đầu tư ở VN về cơ bản chưa hình thành nên nguồn vốn ngân hàng vẫn là chủ lực và quan trọng nhất với thị trường bất động sản.

{keywords}
Siết vốn lo ngại tác động tới thị trường BĐS

“Thị trường BĐS là đầu kéo nên hết sức thận trọng. Thị trường hiện nay đang phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường nên không có lý do gì để hạn chế. Hiện lĩnh vực xây dựng và BĐS là điểm sáng, lôi kéo nhiều ngành nghề khác, kéo GDP tăng cao và đang là điểm sáng gần như là duy nhất”, ông Nam nói.

Đại diện cơ quan quản lý, ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc sửa đổi thông tư 36 là thuộc thẩm quyền của NHNN. Hiện, NHNN đang xem xét các ý kiến để quyết định ban hành thông tư. 

Về việc sửa đổi thông tư này, ông Phấn đồng tình với hầu hết các ý kiến cho rằng việc NHNN nên xem xét sửa đổi thông tư 36 nhưng phải bảo đảm giữ ổn định, không gây sốc cho thị trường. Do vậy cần phải xem mức điều tiết, lộ trình điều tiết cho phù hợp.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng – Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, sau giai đoạn phát triển tích cực của thị trường bất động sản trong năm 2014 – 2015, việc đưa ra dự thảo sửa đổi thông tư 36 giúp cho các bên tham gia trên thị trường cùng nhìn nhận lại việc phát triển về mặt lâu dài. 

Các doanh nghiệp cần phải tính thêm các nguồn vốn huy động ngoài nguồn tín dụng ngân hàng để có thể chủ động cho kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững chung.

Trong văn bản của NHNN chi nhánh TP.HCM gửi HH BĐS TPHCM nêu rõ, việc NHNN đưa ra dự thảo chỉnh sửa các nội dung nói trên, không ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng ngân hàng, nhằm hạn chế rủi ro tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản. Thực tế điều chỉnh là phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi thị trường ổn định cần phải điều chỉnh để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, gián tiếp tạo sự ổn định bền vững cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Theo NHNN chi nhánh TP HCM, việc điều chỉnh là phù hợp, tuy nhiên cần có lộ trình 1-2 năm để tránh xảy ra rủi ro chính sách và gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

Duy Anh