Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2020, cả nước có trên 1.600 sàn giao dịch bất động sản đã góp phần hạn chế các giao dịch phi chính thức, chống thất thu thuế, cung cấp thông tin về thị trường bất động sản cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện và duy trì hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản theo hướng bổ sung thêm các loại hình bất động sản phải giao dịch qua sàn để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân; chống thất thu thuế.
Ngoài ra, hình thành công cụ quản lý thông tin của Nhà nước để đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng vẫn rất khó quản lý được dữ liệu thông tin thị trường, dữ liệu bán hàng bởi nhiều chủ đầu tư, sàn giao dịch không báo cáo số liệu hoặc báo cáo không đầy đủ, sai thực tế. Điều này này đã tạo ra những hệ lụy về thất thu thuế, hay khó kiểm soát trong việc chống rửa tiền.
Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Lê Minh Ngân cho biết, hệ thống thông tin về thị trường quyền sử dụng đất chưa đầy đủ dẫn đến việc tiếp cận nguồn lực đất đai của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; chưa có cơ chế, chính sách để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá đất giao dịch thực tế trên thị trường để phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về giá đất.
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công, lợi dụng để rửa tiền. Các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.
Nên bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn
Theo các chuyên gia, việc giao dịch bất động sản qua sàn nhằm giúp đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, giao dịch qua sàn giúp bảo vệ người mua nhà, không làm tăng chi phí. Khi không có sự tham gia của sàn, nhà đầu tư và khách hàng tiếp tục sẽ phải đối mặt với những dự án kiểu Alibaba…
Ông Trần Văn Bình – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - Phụ trách khu vực miền Trung cho rằng, đây không phải là can thiệp hành chính vào thị trường mà là tổ chức lại thị trường để trở nên hiệu quả, minh bạch, khắc phục các khiếm khuyết vốn có. Trong tương lai, việc này sẽ giúp Nhà nước chống thất thu thuế, chống rửa tiền, điều tiết thị trường kịp thời nhờ có số liệu đầy đủ và minh bạch.
“Việc định chế hóa giao dịch qua sàn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và minh bạch dữ liệu, hỗ trợ việc chống thất thu thuế, chống rửa tiền, hỗ trợ quá trình điều tiết thị trường tốt hơn và các nhà đầu tư có đầy đủ cơ sở ra quyết định hơn”, ông Trần Văn Bình khẳng định.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ TNMT kiến nghị thành lập sàn giao dịch bất động sản bao gồm giao dịch quyền sử dụng đất bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Việc vận hành sàn giao dịch bất động sản bao gồm giao dịch quyền sử dụng đất bảo đảm thị trường này hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững; làm cơ sở để xác định giá đất theo thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất; hạn chế tình trạng đầu cơ, tạo bong bóng trên thị trường đất đai, phòng chống tham nhũng và rửa tiền…
"Việc thành lập mô hình về sàn giao dịch bất động sản, trong đó có giao dịch về quyền sử dụng đất là cần thiết và cấp bách, đồng thời tiến tới đồng bộ hoá quản trị quốc gia", Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính khẳng định, việc quy định tất cả các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải thông qua sàn sẽ đồng thời gắn trách nhiệm của sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản trong việc mua, bán sẽ bảo vệ quyền và lợi ích cho người mua nhà. Đơn vị, cá nhân môi giới sẽ là bên liên đới, chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin không chính xác, môi giới mua bán các sản phẩm không rõ ràng. Sàn cũng sẽ đồng thời là gác chắn cho pháp luật chống rửa tiền, chống thất thu thuế vì giao dịch qua sàn sẽ phải thực thi đúng, đủ khi ta đã quy định.
Bảo Anh