Ngày 11/11, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trầm Bê (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam) và 8 thuộc cấp về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Bị cáo Dương Thanh Cường (54 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phiên phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo kêu oan của Trầm Bê, Phan Huy Khang và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phan Thị Hồng Vân, Ngô Văn Huổl, Nguyễn Văn Phong (đều là nguyên cán bộ thuộc Ngân hàng Phương Nam).

{keywords}
Các bị cáo tại tòa

Đồng thời Viện KSND TP.HCM cũng có kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với Trầm Bê, Phan Huy Khang cùng 6 bị cáo nguyên cán bộ tại Ngân hàng Phương Nam, do cấp sơ thẩm áp dụng dưới khung liền kề không đúng quy định; không cho bị cáo Trầm Viết Trung hưởng án treo; buộc Trầm Bê, Phan Huy Khang và 7 bị cáo liên đới cùng Dương Thanh Cường bồi thường thiệt hại hơn 319 tỷ đồng cho Sacombank.

Ngoài ra, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị đối với bản án sơ thẩm, theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Dương Thanh Cường.

Tuy nhiên, do Trầm Bê, Phan Huy Khang vắng mặt; Dương Thanh Cường có đơn xin hoãn phiên tòa nên HĐXX thông báo hoãn xử. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 9/12 tới.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường 16 năm tù. Tổng hợp với bản án chung thân năm 2018, bị cáo này phải lãnh án chung thân.

Bị cáo Trầm Bê 3 năm tù. Tổng hợp với bản án 4 năm tù trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, bị cáo Trầm Bê phải chấp hành chung là 7 năm tù.

Bị cáo Phan Huy Khang 2 năm 6 tháng tù. Tổng hợp với bản án 3 năm tù, bị cáo phải chấp hành chung là 5 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo còn lại cũng phải lãnh từ 1 năm án treo tới 2 năm tù giam.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, Cường có ý định thực hiện dự án cao ốc căn hộ và biệt thự vườn Thanh Phát nên lấy danh nghĩa công ty mua 10,5 ha đất của các hộ dân, có 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau đó, bị cáo này đã đem 23 giấy này thế chấp tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 6 để vay 628 tỷ đồng.

Đến ngày 7/4/2008, Cường tiếp tục ký hồ sơ đề nghị vay vốn, giấy cam kết thế chấp 23 quyền sử dụng đất (đã thế chấp cho Agribank) để vay Ngân hàng Phương Nam 200 tỷ đồng.

Sau đó, Trầm Bê đã chỉ đạo thuộc cấp hoàn tất thủ tục và cho công ty của Cường vay 130 tỷ đồng.

Cuối tháng 5/2008, Trầm Bê tiếp tục giải ngân cho công ty của Cường vay thêm 57 tỷ đồng và 9.000 lượng vàng.

Ngày 4/6/2009, đến hạn phải thanh toán hợp đồng, Cường đến gặp Trầm Bê xin gia hạn nợ. Trầm Bê đồng ý cho gia hạn bằng cách đáo nợ và sau đó, ngân hàng Phương Nam ký hợp đồng với công ty Bình Phát với nội dung cho vay 80 tỷ và 9.000 lượng vàng.

Khi không còn khả năng trả nợ, đầu năm 2010, Cường gán 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấn trừ nợ gốc, lãi tổng cộng 331 tỷ đồng.

Tại CQĐT Trầm Bê khai nhận, việc cho công ty của Cường vay không đúng quy định, do bị can Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Phương Nam) và Nguyễn Thị Xuân Trang (nguyên giám đốc sở giao dịch, hiện đã bỏ trốn) bàn bạc và quyết định dựa vào định giá tài sản. Các nhân viên khác chỉ làm theo quy trình và chỉ đạo.

Hành vi sai phạm của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam 500 tỷ đồng.

Vì sao đại gia Trầm Bê 'ngã ngựa'?

Vì sao đại gia Trầm Bê 'ngã ngựa'?

Từ đại gia lừng lẫy trên thương trường, làm gì "trúng" đó, nhưng bất ngờ Trầm Bê bị bắt và bị truy tố với khung hình phạt lên tới 20 năm tù khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Thanh Phương