- Bản thân từng có 2 tiền án với hàng loạt tội danh nhưng sau khi ra tù với các chiêu trò, siêu lừa lại tiếp cận các sếp ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng. Để xảy ra sự việc này, hàng loạt sếp và cán bộ ngân hàng đã vướng vòng lao lý.

Trong 4 ngày liên tiếp (từ 9 - 13/5), TAND Cấp Cao tại TP.HCM đã mở hai phiên tòa phúc thẩm xét xử 2 vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank - chi nhánh 6 và Agribank Bình Chánh (TP.HCM). Được coi là một trong các “đại án”, tổng số tiền Nhà nước bị thiệt hại sau 2 vụ việc này lên tới 1.160 tỷ đồng.

Siêu lừa lập công ty “ma”

Được xác định giữ vai trò chủ mưu, Dương Thanh Cường (SN 1966, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) xuất hiện tại tòa trong chiếc áo màu xanh đồng phục của trại giam, gương mặt tỏ ra bình thản.

Phần thẩm tra lý lịch thể hiện Cường là đối tượng từng có 2 tiền án với hàng loạt tội danh gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, đưa hối lộ. Năm 2005, Cường được đặc xác tha tù trước thời hạn.

Sau khi mãn hạn tù, ông ta tiếp tục sử dụng các thủ đoạn phạm pháp để “làm kinh tế”. Đầu tiên, Cường thành lập và đứng tên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát (gọi tắt là Công ty Bình Phát). Để thuận tiện cho việc làm ăn, Cường cũng nghĩ cách “đẻ ra” hàng loạt công ty con, thuê người đứng tên Giám đốc đại diện theo pháp luật.

Nhóm công ty này gồm: Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát, Công ty TNHH SX-XD-TM Thanh Phát, Công ty TNHH Cửu Long Phát, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Đại Phát, Công ty TNHH TM-DV-XD Châu Hoàng Ngân, Công ty CP-XD-TM Bình Phát.

Là các pháp nhân nhưng thực tế các công ty này không có tài sản, giám đốc các công ty “con” này đều là người không có năng lực do Cường thuê về để chỉ đạo “ký giấy” khi có yêu cầu.

Năm 2006, Cường nắm được thông tin Công ty Dệt kim Đông Phương là doanh nghiệp Nhà nước, được Bộ Tài chính chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000 m2 tại số 10 Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM) để lập dự án xây dựng khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng theo quy hoạch của TP.HCM.

{keywords}
Bị cáo Dương Thanh Cường tại phiên tòa phúc thẩm.

Không bỏ lỡ cơ hội, Cường tìm cách tiếp cận lãnh đạo của một số công ty trực tiếp tham gia dự án. Sau đó, với tư cách Tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Cường ký hợp đồng nhận chuyển nhượng lại 80% vốn góp của một công ty đang trực tiếp tham gia dự án. Sau thỏa thuận này, Bình Phát đường đường trở thành đơn vị tham gia dự án, có trách nhiệm đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ.

Sếp ngân hàng “dính đòn”

Sau động thái trên, Cường tìm gặp ông Hồ Đăng Trung - Giám đốc Agribank chi nhánh 6 đặt vấn đề vay tiền trước. Được ông Trung đồng ý, Cường chỉ đạo một giám đốc thuê ký hồ sơ vay của Agribank chi nhánh 6 số tiền 170 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại số 10 Âu Cơ và số 44 An Dương Vương, phường 16, quận 8.

Năm 2007, không ngừng tham vọng, Dương Thanh Cường tiếp tục “ôm” ý định thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Lần này, Cường lại lợi dụng sự ưu ái của ông Hồ Đăng Trung, đề nghị xin vay thêm 700 tỷ đồng. Do đã quen biết từ trước nên Trung gật đầu đồng ý, giao cho Trưởng phòng tín dụng Hồ Văn Long hướng dẫn Cường làm hồ sơ.

Bất chấp hồ sơ không đạt yêu cầu, ông Long và nhóm cán bộ dưới quyền không thẩm định, kiểm tra điều kiện vay vốn, tính pháp lý và tài sản đảm bảo, khả năng tài chính…mà phê duyệt “đủ điều kiện vốn” và đề xuất để Ban giám đốc chi nhánh duyệt cho vay.

Từ 4/12/2007 đến 19/9/2008, Agribank chi nhánh 6 đã giải ngân cho Thanh Phát vay tổng cộng 628 tỷ đồng.

Sau khi được giải ngân cả hai khoản vay 170 tỷ đồng và 628 tỷ đồng trên, với các lý do khác nhau, Cường chỉ đạo cấp dưới ký đơn gửi đến Agribank chi nhánh 6 mượn lại các tài sản thế chấp là GCNQSDĐ số 10 Âu Cơ và 23 GCNQSDĐ khác để phục vụ cho “công việc”.

Sau khi xong việc, Cường không trả lại các GCNQSDĐ trên mà đem đến Ngân hàng Phương Nam thế chấp để vay hàng trăm tỷ đồng cùng 9.000 lượng vàng. Quá trình xét duyệt cho vay, Ngân hàng Phương Nam đã thực hiện các thủ tục theo quy định. Khi đến hạn, Ngân hàng Phương Nam tiến hành thu hồi nợ dẫn đến Agribank chi nhánh 6 bị thiệt hại tổng cộng 1.127 tỷ đồng (bao gồm cả gốc lẫn lãi).

Ngoài chiếm đoạt tiền của Agribank chi nhánh 6, Dương Thanh Cường còn chiếm đoạt, gây thiệt hại của Agribank Bình Chánh số tiền 33 tỷ đồng. Trong vụ này, Cường đã gặp và đặt vấn đề với ông Lý Văn Chức (nguyên Giám đốc Agribank Bình Chánh, đã chết trước khi vụ án bị khởi tố) để đặt vấn đề cho Công ty Tân Đại Phát và Thanh Phát vay tiền.

Cũng biết rõ hồ sơ của Cường không đủ điều kiện nhưng ông Chức cùng cấp dưới là Nguyễn Văn Lợi (53 tuổi, nguyên phó giám đốc Agribank chi nhánh Bình Chánh) vẫn phê duyệt, cho giải ngân.

Sau khi sự việc bị phanh phui, ngoài Dương Thanh Cường phải lãnh án tù chung thân cho 2 bản án thì hàng loạt sếp và cán bộ ngân hàng cũng phải hầu tòa. Trong đó, ông Hồ Đăng Trung bị tòa tuyên phạt 20 năm tù, ông Hồ Văn Long 19 năm tù, ông Nguyễn Văn Lợi lãnh án 8 năm tù, hàng loạt nhân viên khác của Agribank cũng phải lãnh các mức án khác nhau cùng về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

M.Phượng