Hệ thống chăm sóc và các nhân viên y tế của Singapore hiện đã bị kéo căng vì các diễn biến mới của dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế nước này thừa nhận cần phải kiểm soát mức độ lây nhiễm để Covid-19 không tấn công nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Trong bốn tuần tới, quy mô các cuộc tụ họp xã hội sẽ giảm từ 5 người xuống chỉ còn 2 người, và làm việc tại nhà sẽ là điều mặc định.

{keywords}
Ảnh: AP

Trao đổi với hãng tin CNBC, các chuyên gia y tế cho rằng làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Singapore có thể không phải là điều tồi tệ vì Singapore đã đạt tỷ lệ tiêm vắc xin rất cao.

Ông Teo Yik-Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chỉ ra rằng nhiều người nhiễm Covid-19 không bị bệnh nặng và được tăng cường bảo vệ nhờ các kháng thể chống virus trong cơ thể. 

Khoảng 82% dân số của Singapore đã được tiêm 2 liều vắc xin ngừa Covid-19. Hôm 26/9, giới chức y tế nước này xác nhận 98% số ca nhiễm trong 28 ngày qua không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ. 

Theo ông Teo Yik-Ying, số ca nhiễm ở Singapore có thể sẽ vẫn cao trong những tháng tới đây, nhưng "phần lớn" sẽ được bảo vệ tốt nhờ vắc xin và sẽ không đổ bệnh nghiêm trọng. 

"Với những người này, Covid-19 sẽ không để lại hậu quả dù ngắn hay dài hạn, thậm chí còn kích hoạt thêm phản ứng miễn dịch tự nhiên giúp giảm nguy cơ lây nhiễm sau này", ông phân tích.

Trong khi đó, giáo sư Ooi Eng Eong làm việc cho Chương trình Các bệnh truyền nhiễm mới thuộc Trường Y Duke-NUS, cho rằng để cho virus lây chậm trong dân số "không nhất thiết là một điều tồi tệ".

Hai vắc xin chính được Singapore triển khai tiêm chủng là Pfizer-BioNTech và Moderna, và cả hai đều sử dụng công nghệ RNA truyền tin, kích hoạt hệ miễn dịch phát triển các kháng thể chống virus.   

"Nếu chúng ta bị nhiễm tự nhiên, hệ thống miễn dịch sẽ có thể nhận ra một phần lớn hơn của virus chứ không chỉ protein gai của nó, do đó sức đề kháng sẽ cao hơn trước các biến thể virus trong tương lai", ông Ooi Eng Eong giải thích.

Theo vị giáo sư này, Singapore có thể hưởng lợi từ sự lây nhiễm tự nhiên mà một số khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ đang trải qua, nhưng theo thứ tự ngược lại. "Thay vì chủng ngừa sau lây nhiễm, chúng ta sẽ để lây nhiễm sau khi tiêm vắc xin, và tôi nghĩ điều này thậm chí còn tốt hơn, bởi vì phần lớn sẽ chỉ nhiễm nhẹ", ông lập luận.

Khi được hỏi liệu tình trạng lây lan Covid-19 rộng khắp có khiến virus biến hóa ra nhiều thể mới hay không, giáo sư Ooi thừa nhận khó có thể dự đoán được điều gì. Tuy vậy, ông cho rằng các biến thể trong tương lai sẽ phải cạnh tranh với Delta và rất khó có thể vượt qua được biến thể đang thống trị xu hướng lây nhiễm toàn cầu này.  

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Thanh Hảo

Cách Singapore 'dò đường' sống chung với Covid-19

Cách Singapore 'dò đường' sống chung với Covid-19

Chỉ 60 người nhiễm Covid-19 tử vong ở Singapore kể từ khi đại dịch xuất hiện, và 82% dân số nước này đã được tiêm vắc xin đủ liều.