Giáo dục thay vì phát triển con người, đây đó lại gò ép học trò vào cái khung. Vì lẽ đó, không ít người cho rằng, kỳ thi đại học giống như kiểu cho thi cùng một đề nhưng chỗ thì bơi, chỗ leo cây, và nơi khác thì ra sức chạy.
LTS: Xung quanh câu chuyện học giỏi mà vẫn thất nghiệp, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên trường Đại học Ngoại thương.
Ngoại thương là một trong những trường đại học (ĐH) thuộc hàng top của nước ta hiện nay, với điểm đầu vào luôn dẫn đầu bảng điểm chuẩn ĐH, không rõ sau 4 năm dùi mài kinh sử, các sinh viên sau khi ra trường có dễ dàng kiếm được việc làm không?
Tôi tin tỷ lệ sinh viên trường Đại học Ngoại thương sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm cao hơn những trường khác. Theo khảo sát hàng năm thì 30% - 40% sinh viên năm 3 của trường đã tìm được việc làm, và đến ngay khi tốt nghiệp thì tỷ lệ này vào khoảng 95%.
Cách đây vài năm có bài báo đưa tin, một sinh viên trường Ngoại thương tuyên bố, lương dưới 1000USD thì không làm, thực hư chuyện này như thế nào?
Đó là câu chuyện đùa trên diễn đàn của trường, ai đó đã đem ra giật tít thôi. 1000 USD kể cả vào thời điểm này với một sinh viên mới ra trường hiếm lắm.
Kỳ thi ĐH giống như bắt cả một sở thú cùng làm một bài kiểm tra, nhưng lúc thì bắt bơi, khi lại leo cây, chạy. Nguồn ảnh: kenhtuyensinh.vn |
Chị có nghĩ rằng, cứ nỗ lực tự thân học hành là cơ hội để tìm được chỗ đứng trong đời có đúng không?
Trước kia tôi luôn tin rằng, sinh viên giỏi sẽ tìm được chỗ đứng tốt. Nhưng sau này tôi phát hiện ra những sinh viên giỏi mà tôi luôn kì vọng lại không phải những người thành đạt nhất.
Nghĩa là sao? Chị nói rõ hơn một chút nữa.
Thông thường học giỏi có 2 loại: thứ nhất là thực sự hiểu vấn đề và áp dụng được. Tỷ lệ thành đạt sau khi tốt nghiệp thường rất cao.
Thứ hai là học gạo. Họ là những sinh viên chăm chỉ học để vượt qua các kỳ thi, nhưng sống co lại, không tiếp xúc với bên ngoài, không giao tiếp với giảng viên, bạn học. Có thể sau khi tốt nghiệp, với thành tích học tập như vậy, các bạn ấy có thể kiếm được một công việc tốt, nhưng nhiều bạn trong số đó thường thiếu sức bật để tạo ra những chỗ đứng cao trong xã hội.
Tôi vẫn nhớ một sinh viên lớp tại chức tôi từng giảng. Bạn ấy học không tốt nhưng rất thân thiện. Bạn ấy làm quen với tất cả các bạn trong lớp, từ đó tạo dựng cho mình những mối quan hệ, và điểm nữa là bạn ấy cũng rất chia sẻ, sẵn sàng làm việc với mọi người. Mọi người cũng rất quý bạn. Sau đó tốt nghiệp khoảng 5 năm sau, tôi thấy bạn ấy đã có một chỗ đứng khá vững vàng và thành công trong sự nghiệp.
Đó là vấn đề thiếu đầu tư dạy về kỹ năng mềm?
Để ra ngoài đi làm thì cần rất nhiều những kỹ năng mềm: giao tiếp, lắng nghe, phản biện, kể cả photo in ấn,… cho tới viết email, có đầu cuối, xưng hô đúng mực, viết ý tứ rõ ràng cũng cần phải học.
Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy một vài vấn đề: thứ nhất, một số bạn không cần hiểu bản chất, chỉ để tâm tới việc trả lời sao cho trúng đáp án; thứ hai một số bạn giỏi về lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng viết và mắc các lỗi cơ bản; thứ ba, nói và viết đều không thuyết phục, bởi ngay từ bản chất chưa hiểu kỹ thì sao thuyết phục được người khác.
Trong tuyển dụng hiện nay tiêu chí bằng cấp chỉ chiếm khoảng 30%, có đến 40% là kỹ năng giao tiếp tại chỗ trong quá trình phỏng vấn, có trả lời được chính xác, có đưa được những đề xuất một cách gãy gọn, sắc bén mới có hy vọng được tuyển dụng.
Có ý kiến rằng, phần lớn các sinh viên của ta tròn vo, không có chính kiến, không có tư duy phản biện và ngại tranh luận. Thậm chí đến quyền lợi của mình, họ cũng ngại không dám nói ra, không dám hỏi tới… Đó có phải là lỗi bởi chúng ta đã quên rèn cho bọn trẻ quen với việc chủ động chia sẻ chính kiến, nói ra suy nghĩ riêng từ các cấp tiểu học?
Quá đúng rồi! Sau một quá trình theo dõi những người trẻ, tôi phát hiện có những sinh viên được khen ngoan hiền nhưng khi lên các cấp cao hơn, và cả đến khi ra ngoài đời lại thường là những người khó tìm ra chỗ đứng, tạo ra đột phá cho bản thân. Có lẽ những người ngoan thường là những người chịu nghe lời người khác.
Vấn đề là giáo dục Việt Nam thay vì phát triển con người, chúng ta lại gò ép con người vào cái khung. Kì thi ĐH giống như bắt cả một sở thú cùng đi thi một ngày, làm một đề, theo một cách đánh giá, nhưng lúc thì bắt bơi, khi lại leo cây, chạy…
Tôi thấy những gia đình và trường học để trẻ tự nhiên phát triển, thì những đứa trẻ ấy khi lớn lên có nhiều cơ hội thành công hơn. Khi Nguyễn Hà Đông được hỏi về bí quyết thành công, em trả lời đơn giản: “Em rất may mắn vì bố mẹ đã để em muốn
Có nghĩa là những sinh viên theo trường phái học những thứ ngoài sách vở dễ thành công hơn?
Điều này phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Nếu bạn có người lo cho công việc nhà nước thì những sinh viên học gạo thường có cơ hội chiếm được vị trí lâu bền. Còn những sinh viên muốn làm cho doanh nghiệp nước ngoài, hay muốn tự mình xây dựng sự nghiệp, start-up thì thường là những người có tư duy độc lập, dám tìm tòi con đường riêng cho mình.
Còn nữaHoàng Hường thực hiện