Dư âm kéo dài hậu Covid-19

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu vào năm 2020, phần lớn việc học của học sinh, sinh viên được chuyển sang hình thức trực tuyến, các lớp học đóng cửa và các sự kiện xã hội bị hủy bỏ.

"Tôi chỉ được học một năm học trực tiếp toàn thời gian, gặp giảng viên, hoàn thành các bài thực hành, đi trợ giảng, vậy mà giờ tôi lại phải trả khoản nợ hơn 40.000 hoặc 50.000 bảng Anh (khoảng 1,16-1,45 tỷ đồng), điều đó có vẻ không ổn", Shannon Barnes, nghiên cứu sinh ngành sinh lý đang hoàn thành kỳ thi cuối tại ĐH College London (UCL) cho biết.

"Trong thời kỳ đại dịch, chúng tôi được tặng một số dụng cụ thực hành đơn giản, được yêu cầu làm những thí nghiệm dễ làm ở nhà, thỉnh thoảng làm cả bánh".

Gián đoạn việc học do đại dịch và việc giảng viên đình công được cho là nguyên nhân chính.

Những sinh viên không hài lòng với cách giảng dạy của giảng viên đã khiếu nại trực tiếp với trường đại học và Văn phòng Thẩm phán Độc lập về Giáo dục Đại học Anh (OIAHE). Cơ quan này đã nhận được số lượng khiếu nại kỷ lục vào năm 2022 và sinh viên đòi bồi thường tổng hơn 1 triệu bảng Anh (khoảng 29 tỷ đồng).

Theo Sky News, giờ đây, sinh viên từ hơn 100 trường đại học nước Anh đang tham gia vào chiến dịch "Đấu tranh lấy lại học phí" và kiện các trường đòi khoản bồi thường lên tới 5.000 bảng Anh (khoảng 145 triệu đồng)/người.

Đối với sinh viên quốc tế, sự phẫn uất lớn hơn do học phí cao hơn. Sinh viên tập trung hướng các hoạt động điều tra pháp lý vào khoảng thời gian xảy ra đại dịch và khoảng thời gian bị ảnh hưởng mạnh bởi hành động đình công của giảng viên từ năm học 2018-2022.

Trường hợp đầu tiên được đưa ra tòa là các đơn kiện chống Đại học College London (UCL). Tuy nhiên, nhà trường phản hồi rằng họ tuân theo hướng dẫn của chính phủ Vương quốc Anh và "đảm bảo rằng trải nghiệm học tập chất lượng cao được cung cấp cho sinh viên".

Trường cũng cho rằng việc kiện ra tòa là quá sớm và mong muốn các sinh viên thực hiện thủ tục khiếu nại nội bộ trong trường và sau đó là OIAHE. Tuy nhiên, luật sư cho biết sinh viên không đồng ý.

Bởi vậy, phiên điều trần tại Tòa án Tối cao vào thứ 4 (24/5/2023) được đặc biệt chú ý bởi thẩm phán sẽ quyết định liệu các sinh viên tại UCL có được phép theo đuổi yêu cầu trong đơn kiện không. Nếu khiếu nại chống lại UCL được phép tiếp tục, các khiếu nại tương tự sẽ được đưa ra chống lại các trường đại học khác.

"Tự hào về cách thích ứng"

Sự việc diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội các trường Đại học Anh (Universities UK) đang kêu gọi giảng viên các trường ngừng thực hiện nhiệm vụ của họ, bao gồm việc chấm điểm và đánh giá bài làm của sinh viên trước những lo ngại về tiền lương và điều kiện làm việc. Điều này khiến nhiều sinh viên trên cả nước không rõ liệu họ có tốt nghiệp vào mùa hè này hay không.

Tuy nhiên, hiệp hội bảo vệ cách các trường đại học thích ứng trong đại dịch. “Đại dịch Covid-19 đã tạo ra hai năm thử thách chưa từng có đối với ngành giáo dục đại học và sinh viên và chúng tôi tự hào về cách các trường đại học thích ứng và quản lý trong những hoàn cảnh bất lợi".

"Trong một số giai đoạn phong tỏa, các trường đại học không được phép tổ chức giảng dạy và học tập như bình thường, thay vào đó, các trường đại học điều chỉnh nhanh chóng và sáng tạo để đảm bảo sinh viên có thể học và tốt nghiệp".

Giáo sư Kathleen Armour, Phó Chủ tịch (phụ trách mảng Giáo dục & Công tác sinh viên) của UCL cho biết: "Chúng tôi nhận ra rằng đối với nhiều sinh viên, vài năm qua là khoảng thời gian khó khăn và đáng lo ngại. Trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã tuân theo hướng dẫn của chính phủ Anh và ưu tiên sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng".

"Các giảng viên và nhân viên hỗ trợ của trường đã làm việc không mệt mỏi để làm cho khuôn viên và tất cả các cơ sở của UCL trở nên an toàn nhất có thể và đảm bảo rằng sinh viên sẽ được cung cấp trải nghiệm học tập chất lượng cao".

“Chúng tôi cũng đã hoàn toàn cam kết giảm thiểu tác động của hành động đình công của giảng viên, để đảm bảo học sinh không gặp bất lợi trong học tập".

Tử Huy