Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện đạt kết quả cao. 

Các đơn vị chức năng dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.

SMART là bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra được nhiều nước trên thế giới áp dụng một cách chính thức ở cấp quốc gia nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý và bảo vệ tại các khu bảo tồn. SMART giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích và lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hệ thống các khu bảo tồn. Những dữ liệu này sẽ giúp ích rất lớn cho quá trình xây dựng các quy định và đưa các quyết sách phù hợp nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn.

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nằm ở vùng rừng thượng nguồn sông Chu thuộc huyện Thường Xuân, nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích 24.728ha, trong đó có gần 4.000ha là đất rừng nguyên sinh, gồm rừng tự nhiên, sông hồ. Đây là một trong 55 Khu Bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.

W-xuanlien.png
Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nhìn từ trên cao

Theo thống kê sơ bộ, khu bảo tồn hiện có hơn 6.000 ha rừng nguyên sinh, 572 loài thực vật, trong đó có 156 cây thuốc quý, hơn 40 loài cây ăn quả, hơn 300 loài cây lấy gỗ, 23 loài cây lấy nhựa và dầu như trầm gió, bời lời, quế và hàng trăm cây thuốc quý, cây đan lát, hàng chục họ lan. Đặc biệt, ở đây còn có loài cọ Bắc Sơn quanh năm tốt tươi, tán lá mọc chụm ở ngọn, dáng to cao, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, hùng vĩ...

Trong số 560 loài thực vật ghi nhận được tại Xuân Liên năm 1998, có 4 loài là các loài đặc hữu Việt Nam là cây vù hương (Cinnamomum balansae), Cọ mai nháp lá nhỏ (Colona poilanei), loài Croton boniana và cây lá nến không gai (Macaranga balansae).

Thời gian qua, ứng dụng SMART đã chính thức được Khu bảo tồn nhiên nhiên Xuân Liên triển khai trong công tác tuần tra để bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Việc quản lý tại Khu bảo tồn Xuân Liên đã được nâng cao đáng kể từ khi SMART được ứng dụng. SMART đã giúp những người quản lý, đánh giá được hiệu quả tuần tra của từng cán bộ kiểm lâm được minh bạch và khách quan hơn.

Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao đồng thời đa dạng sinh học rừng cũng được theo dõi một cách tỉ mỉ và chính xác hơn. Hiện nay, Ban quản lý Khu bảo tồn được biên chế 33 người gồm công chức, viên chức, lao động hợp đồng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Trước khi ứng dụng SMART, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã sử dụng thiết bị theo dõi GPS trong tuần tra rừng và giám sát đa dạng sinh học. Tuy nhiên, cách tiếp cận này rất tốn thời gian và thiếu tính khách quan, đồng thời quá trình nhập dữ liệu dễ xảy ra sai sót.