Sự kiện công nghệ chấn động nhất tuần này chắc chắn là việc Huawei bị "đánh hội đồng" bởi các công ty Mỹ. Dưới áp lực của chính phủ, Huawei đã bị cắt đứt mua linh kiện, công nghệ từ các đối tác Mỹ. Điều này đe dọa đến việc giới thiệu sản phẩm mới, duy trì sản xuất, thay thế và sữa chữa,... điện thoại Huawei. Vậy thực sự thì trong chiếc điện thoại của họ, có những gì thuộc về người Mỹ và các công ty khác không thuộc Trung Quốc?

Tổng thống Trump quyết định dồn Huawei dến đường cùng sau khi đàm phán với Trung Quốc đổ vỡ

Dưới đây là bài tổng hợp từ báo Digitimes, hãng tư vấn System Plus Consulting (Pháp), bài trả lời của tác giả Janus Dongye Qimeng đến từ cộng đồng hỏi đáp Quora được VnReview chuyển ngữ gửi đến bạn đọc.

Để hiểu được sự phụ thuộc của Huawei vào các công ty công nghệ nước ngoài, hãy xem qua chuỗi cung ứng của họ. Dưới đây là bức tranh về chuỗi cung ứng của Huawei thể hiện qua mẫu flagship mới nhất, P30 Pro.

Kiến trúc tập lệnh

"Bộ não" của chiếc điện thoại này nằm ở hệ thống vi xử lý tích hợp (System-on-Chip) Kirin 980, thiết kế bởi HiSilicon, nhánh bán dẫn của Huawei. Nó bao gồm nhiều thành phần của nhiều hãng công nghệ trên toàn thế giới, tập hợp lại trên một con chip nhỏ xíu. Cần phải có cả "tấn chất xám" để tạo nên Kirin 980. Trong đó, giấy phép bản quyền kiến trúc của CPU và GPU được mua từ ARM, trụ sở tại Cambridge, Vương quốc Anh. Với bản quyền này, Huawei có thể dùng tập lệnh armv8 và xây dựng nên CPU 64-bit của mình. Một tiêu chuẩn bus khác là AMBA cũng được cấp phép từ ARM.

Tất cả các con chip trên thiết bị di động hiện nay đều xây dựng dựa trên kiến trúc của ARM

CPU và GPU

Để có CPU, công ty đã huy động nhân lực tại Thâm Quyến, Trung Quốc nhằm tự tùy biến các lõi CPU, đơn vị tăng tốc, cùng nhiều thành phần sở hữu trí tuệ khác. Muốn làm được việc đó, họ lại phải nhờ đến công cụ thiết kế của Synopsis, Cadence, và Xilinx. Đây là các phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA - Electronic design automation) và các công ty này đều là công ty Mỹ. Họ phải trả nhiều tiền để sử dụng phần mềm thiết kế, cũng như mô phỏng CPU của mình.

Huawei dựa trên lõi ARM thiết kế gồm Cortex-A76, lõi hiệu suất cao và Cortex-A55, lõi tiết kiệm năng lượng. Lõi lớn được thiết kế ở Austin, Texas; lõi nhỏ thì thiết kế ở Cambridge, Anh quốc. Còn GPU, Huawei tiếp tục mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ ARM, chính là GPU Mali-G76, được thiết kế tại trụ sở của ARM ở Anh.

CPU và GPU trong SoC Kirin 980

Bộ nhớ

Huawei cũng tự mình thiết kế mạch logic của bộ điều khiển bộ nhớ và hệ thống SRAM, mua giấy phép từ Samsung. Chip nhớ NAND flash do Toshiba sản xuất và bộ nhớ DRAM do Micron sản xuất.

Chip xử lý hình ảnh (DSP) và camera

Huawei đã mua nhiều giấy phép bản quyền về thiết kế ống kính, hệ thống điều khiển từ công ty quang học Đức Leica. Hầu hết chúng được thiết kế ở thành phố, Wetzlar, bang Hessen của Đức. Các thấu kính được sản xuất bởi Largan Precision ở Đài Loan và Sunny Optical Technology ở Trung Quốc. Sunny là đơn vị sản xuất module ống kính tiềm vọng, được cấp phép bởi Corephotonics (hiện đã là công ty con của Samsung). Toàn bộ cảm biến hình ảnh do Sony (Nhật Bản) cung cấp. Động cơ điện để lấy nét do Mitsumi ở Tsurumaki, Nhật Bản sản xuất.

HiSlicon đặt mua tiếp giải pháp phần cứng phục vụ cho ổn định hình ảnh quang học, tự động lấy nét từ ON Semiconductors ở Phoenix, Arizona, Mỹ. Chip xử lý video HD được cấp phép từ Sony, Nhật Bản. Trong khi đó, HiSilicon tự mình thiết kế chip xử lý tín hiệu ảnh (ISP), nhưng phải mua nhiều bản quyền từ CEVA, California, Mỹ, cũng như Cambricon Technologies, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Các công ty Nhật Bản và Trung Quốc đóng góp phần lớn cho cụm camera của P30 Pro

Chip băng tần cơ sở (baseband)

Huawei tiếp tục đặt mua nhiều giấy phép khác nhau cho WIFI, GPS và Bluetooth, từ hãng Broadcom, Mỹ. Với mạng 3G, công ty trả tiền bản quyền đều đặn cho Qualcomm, Mỹ. Còn 4G LTE và 5G, họ tự sở hữu công nghệ riêng và có chip bắt sóng Balong, thiết kế bởi đội ngũ hàng trăm kỹ sư trên khắp Trung Quốc. Huawei cũng mua hệ thống định vị toàn cầu Bắc đẩu từ Viện Khoa học Trung Quốc. Một số công đoạn xác minh chip được tiến hành bởi kỹ sư Ấn Độ ở Hyderabad.

Chip tần số vô tuyến (RF)

Hầu hết các bằng sáng chế mạch tích hợp tần số vô tuyến (RFIC) do RF Micro Devices (Bắc Carolina, Mỹ) nắm giữ, nay trở thành Qorvo. Trong các chip RFIC, cần phải có bộ khuếch đại tín hiệu, tụ điện cao cấp mua từ Murata (Nhật Bản). Các cảm biến SAW (surface acoustic wave) do TST (Đài Loan) và Microgate (Trung Quốc) thiết kế và sản xuất. Các công tắc silicon-on-insulator do Skyworks Solutions thiết kế, sản xuất bởi Skyworks ở Trung Quốc. Đối với linh kiện antenna để thu sóng, thiết kế và sản xuất bởi công ty Sunway tại Thâm Quyến, các nhà máy đặt tại Trung Quốc của Rosenberger (Mỹ). Kể cả trong kỷ nguyên 5G sắp tới, Huawei vẫn phải nhờ cậy vào các hãng công nghệ Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ như này.

Mổ xẻ Huawei P30 Pro hé lộ linh kiện bên trong do Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ sản xuất

Kết nối NFC và cảm ứng

Giải pháp NFC được cung cấp bởi NXP Semiconductors của Hà Lan và chip do Infineon của Đức sản xuất. Cảm biến vân tay do Goodix (Trung Quốc) cung cấp. Giải pháp USB-C do Shenzhen Everwin Technology (Trung Quốc) sản xuất.

Chế tạo

Để sản xuất "bộ não" Kirin 980, HiSilicon nhờ đến hãng đúc chip lớn nhất thế giới, TSMC của Đài Loan, với dây chuyền 7nm. Công ty này nhập khẩu trang bị căn chỉnh mặt nạ từ ASML của Hà Lan. Nhập tấm wafer từ SUMCO và Shin-Etsu của Nhật Bản, Siltronic AG của Đức. Đây đều là các thành phần cực quan trọng của tiến trình bán dẫn, và các hãng này cũng là những cái tên hàng đầu thế giới không thể thay thế.

Huawei (và cả Apple) đều phụ thuộc vào dây chuyền 7nm của TSMC (Đài Loan), đứng sau là các công ty Nhật Bản và châu Âu. 

Màn hình

Báo cáo ban đầu của tờ Digitimes tiết lộ, P30 dùng tấm nền OLED cứng của Samsung, còn P30 Pro là OLED dẻo từ BOE và LG Display. Sau này, tờ The Elec chuyên về chuỗi cung ứng Hàn Quốc đã xác nhận, bổ sung thêm rằng BOE là nhà cung cấp chính, còn LG Display chiếm phần nhỏ hơn.

Lắp ráp

Công đoạn cuối cùng là lắp ráp tất cả thành một chiếc điện thoại hoàn chỉnh. Foxconn được biết đến là công ty lớn nhất thế giới về lắp ráp, phần lớn điện thoại được sản xuất tại nhà máy Trịnh Châu của họ, Hà Nam, Trung Quốc.

Sau tất cả, Foxconn là đơn vị chịu trách nhiệm hoàn chỉnh sản phẩm cho Huawei 

Không ai biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra với công ty Trung Quốc, nếu lệnh cấm từ Mỹ phá hủy chuỗi cung ứng này. Huawei sẽ phải tìm đơn vị thay thế khác, hoặc tự họ đứng ra xử lý. Tuy nhiên, sự thật là có những công ty nằm ở vị trí rất khó hoặc không thể thay thế. Thái độ quyết liệt của chính quyền tổng thống Trump không chỉ buộc các đối tác Mỹ rút lui, mà còn khiến nhiều công ty Nhật Bản, châu Âu khác phải suy nghĩ.

Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm, Huawei thì tuyên bố đã chuẩn bị các phương án dự phòng từ nhiều năm trước. Liệu chuỗi cung ứng của công ty có trụ vững và duy trì đến khi cơn bão này qua hay không? Thật khó đoán!