Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 50.396 ca nhiễm mới và 754 trường hợp tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 3.147.480 và 134.726.
Bác sĩ Anthony Fauci, lãnh đạo Viện Dị ứng và các bệnh lây nhiễm quốc gia Mỹ, ngày 8/7 cảnh báo rằng, dù tỷ lệ tử vong có dấu hiệu giảm nhưng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này vẫn ngày một tăng lên. Do vậy, hệ thống y tế Mỹ đừng nên tự mãn.
“Thật sai lầm nếu cho rằng chúng ta đã có thể thở phào vì tỷ lệ tử vong thấp. Vẫn còn nhiều yếu tố nguy hiểm và tồi tệ khác về virus này, đừng để bản thân chúng ta cảm thấy tự mãn”, CNN dẫn lời ông Fauci.
Ông Anthony Fauci. Ảnh: AP |
Bộ Y tế Brazil thông báo phát hiện hơn 38.500 ca nhiễm mới trong ngày 8/7, đưa tổng số người bệnh lên 1.713.160. Số thiệt mạng tăng thêm gần 1.100, lên 67.964 người.
Tờ Brazilian Report cho biết, sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố bản thân bị bệnh, rất nhiều quan chức chính phủ đã đi khám sức khỏe. Đại sứ Mỹ tại Brazil Todd Chapman, người có cuộc gặp và ăn tối cùng ông Bolsonaro hôm 4/7, hiện đã phải cách ly. Ông Bolsonaro đã tiếp xúc với ít nhất 55 quan chức và chủ doanh nghiệp trong một tuần qua.
Ổ dịch lớn thứ ba thế giới là Ấn Độ đã ghi nhận hơn 25.571 ca nhiễm mới và 491 trường hợp tử vong, nâng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 769.052 và 21.144.
Bộ Y tế Ấn Độ hồi tuần trước tuyên bố vaccine phòng dịch Covaxin của hãng dược phẩm Bharat Biotech sẽ được lưu hành rộng rãi vào ngày 15/8. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế nước này cảnh báo Covaxin có thể không có tác dụng chống lại virus gây bệnh.
Trong khi đó, dịch bệnh tại một số nước Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp. Indonesia ngày 8/7 ghi nhận số ca nhiễm lớn nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát với 1.853 trường hợp, đưa tổng số lên hơn 68.000 người. Indonesia cũng có thêm 50 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Bộ Y tế Philippines cùng ngày thông báo đã phát hiện 2.540 trường hợp dương tính mới và 5 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 50.359 và 1.314.
Tại Australia, khoảng 5 triệu dân thành phố Melbourne sẽ buộc phải tuân thủ lệnh phong tỏa có hiệu lực trong 6 tuần tới, trong bối cảnh tình hình dịch không có dấu hiệu hạ nhiệt. Cơ quan chức năng lập ra nhiều trạm kiểm soát trên những con đường ra vào thành phố.
Đường phố Melbourne vắng vẻ sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 8/7 tuyên bố có thể sẽ áp dụng một số lệnh phong tỏa nếu Covid-19 bùng phát trở lại. Số ca nhiễm mỗi ngày trong một tuần qua tại Pháp đều trên 500.
“Nước Pháp phải sẵn sàng cho làn sóng dịch thứ hai, nhưng chúng ta sẽ không phong tỏa toàn quốc như hồi tháng 3, bởi nó sẽ gây ra tổn hại cho kinh tế và người dân”, ông Castex nói.
Tuấn Trần