Các bệnh, chấn thương liên quan tới rượu bia
Đồ uống có cồn là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh.
Ung thư: Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp rượu bia là chất gây ung thư thuộc Nhóm I, tức là có nguy cơ cao gây ung thư tương tự như thuốc lá, amiang hay bức xạ ion hóa. Uống rượu bia là nguyên nhân liên quan trực tiếp tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Bệnh tim mạch: Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp và phình động mạch chủ.
Bệnh hệ tiêu hóa: Rượu bia gây tổn thương gan (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp…), xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C và B, viêm tụy cấp tính và mạn tính, các bệnh lý tại thực quản, dạ dày.
Rối loạn tâm thần: Hấp thụ nhiều cồn làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, biến đổi nhân cách, lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, loạn thần, kích động, tự sát, gây lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai, trẻ đẻ nhẹ cân.
Thương tích: Uống rượu bia quá mức là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, thương tích không chủ ý và cố ý khác.
Ngoài ra, uống rượu bia còn gây ra nhiều vấn đề về xã hội như ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình, giảm hoặc mất khả năng làm việc, mất việc làm, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, các vấn đề liên quan đến pháp luật…
Thực trạng và các chính sách ở Việt Nam
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mức tiêu thụ rượu bia ở người trên 15 tuổi ở nước ta tăng dần qua các năm. Năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn/người/năm, đến năm 2018 và 2019, con số này tăng lên 7,9 lít.
Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Những thức uống trên còn là nguyên nhân gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia làm tăng bất bình đẳng giới và kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021, tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao, 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia 30 ngày qua.
Điều đáng báo động hơn là độ tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cá nhân mà còn tác động sâu rộng đến an ninh xã hội, góp phần gia tăng các vấn đề như bạo lực và tai nạn giao thông. Do đó, việc sàng lọc và hỗ trợ can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của rượu bia đối với cộng đồng là hết sức cần thiết.
Bởi vậy, các cơ quan chức năng đã đưa ra một số chương trình để nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rượu bia, từ đó giảm thiểu số lượng người sử dụng.
Ngày 14/6/2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Ngày 11/10/2024, Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu bia đến năm 2030, với các mục tiêu như sau:
1. 95% người dân trưởng thành được truyền thông về tác hại của rượu bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia.
2. 100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
3. 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.
4. 95% cơ sở kinh doanh rượu bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu bia và các quy định pháp luật khác có liên quan.