Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người đã nổi lên một số phương thức, thủ đoạn. Các đối tượng người Việt Nam câu kết với các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài (Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc) tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang nước ngoài làm việc nhẹ, lương cao.

Sau đó, các đối tượng tội phạm lừa nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (quán karaoke, massage...); làm việc trong các sòng bài, công ty kinh doanh trực tuyến nhằm cưỡng bức lao động, ép buộc thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến. Hoặc môi giới, lừa gạt phụ nữ đưa ra nước ngoài để kết hôn trái phép, nếu nạn nhân muốn về nước phải nộp một khoản tiền chuộc lớn…

W-20230609_114527.jpg
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người trực tiếp tại cộng đồng.

Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 13/KH-BCĐUBND (18/5/2021) của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, Công an tỉnh Sóc Trăng với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu tổng kết công tác phòng, chống mua bán người năm 2023 và ban hành Kế hoạch số 19/KH-BCĐ138/CP (15/01/2024) về thực hiện phòng, chống mua bán người năm 2024. 

Công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người được các sở, ngành, đoàn thể và ủy ban nhân dân các cấp quyết liệt triển khai thực hiện, tập trung vào các vấn đề là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người đến toàn thể cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sử dụng mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”.

Duy trì hoạt động hiệu quả của 22 tổ phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em với 220 thành viên, góp phần nâng cao kiến thức, làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng…

Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình tội phạm mua bán người và các tội phạm khác có liên quan trong thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp do tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tình trạng thiếu việc làm, không có thu nhập. 

Trong công tác 6 tháng cuối năm 2024, các sở, ngành, đoàn thể và ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục bám sát kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) phù hợp với tình hình thực tế. 

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người trực tiếp tại cộng đồng. Đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, nền tảng số, phát huy sự sáng tạo để thu hút, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác phòng, chống mua bán người. 

Tiếp tục triển khai quyết liệt kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm mua bán người; sẵn sàng chuyển trạng thái trên mọi mặt công tác.

Chủ động kiểm soát tốt tình hình và giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tổ chức tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người. Xác lập, điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người trong nước và ra nước ngoài.

Kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội về mua bán người theo quy định của pháp luật và chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP.