Là một tỉnh miền núi vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, hoạt động của các HTX tại tỉnh Sơn La không chỉ được mở rộng về quy mô, mà chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng được nâng lên. Từ đó, thu nhập của các xã viên là bà con nông dân được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

{keywords}
Nhiều nông hộ đã chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Phát triển bền vững địa phương, nâng cao thu nhập người dân

Những năm qua, Sơn La đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển, đa dạng hóa ngành nghề thông qua hàng loạt nghị quyết của HĐND tỉnh. Hiện Sơn La có 625 HTX, 5 liên hiệp HTX, với tổng số trên 31.000 thành viên. Trong đó, 522 HTX nông, lâm, thủy sản; 16 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; 22 HTX xây dựng; 8 quỹ tín dụng tín dụng nhân dân; còn lại hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch, quản lý chợ, vận tải.

Trong quá trình hoạt động, các HTX đã trợ giúp chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững; tạo điều kiện cho thành viên tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước và môi trường liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tính riêng năm 2019, các HTX trong toàn tỉnh duy trì và phát triển 99 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn (14 chuỗi rau, 65 quả, 1 cà phê, 2 chăn nuôi gia súc, gia cầm, 3 mật ong, 14 thủy sản), với tổng sản lượng sản phẩm khoảng 20.000 tấn/năm. Đặc biệt, Sơn La hiện có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Nhờ vậy, sản phẩm nông sản bảo đảm các tiêu chí cung ứng cho các nhà máy, công ty, doanh nghiệp và phục vụ xuất khẩu.

{keywords}
Người dân trồng cà phê ở Sơn La

Toàn tỉnh hiện có 226 HTX hoạt động trên lĩnh vực trồng cây ăn quả với sản phẩm chủ lực là cam, bưởi, quýt, chanh leo, nhãn, xoài, na, thanh long,... quy mô khoảng 6.000 ha. Trong đó, 65 HTX đã xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm quả an toàn có Giấy chứng nhận sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP; 163 mã số vùng trồng cây ăn quả, gồm: 50 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc...; 113 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Các HTX trồng cây ăn quả đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh ở địa phương; đóng góp tích cực vào việc bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; tăng lợi thế về tiềm năng du lịch; tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong các HTX lên 3 triệu đồng/người/tháng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Vai trò tích cực của liên minh HTX tỉnh

Là cơ quan chuyên trách, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tư vấn, hướng dẫn các HTX thành lập mới hoặc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương để phát triển. Đồng thời, Liên minh HTX phối hợp với các cơ quan, các ngành trong và ngoài tỉnh, xây dựng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng...; hỗ trợ một số HTX xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà kính, tưới phun, tưới nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ ghép mắt trong trồng trọt, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý các HTX về: Quản trị HTX, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng sản xuất theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn cách thức tổ chức, phương thức hoạt động, kỹ năng đàm phán...

Liên minh HTX tỉnh đã triển khai 4 mô hình hỗ trợ và xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi theo chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn tích cực triển khai chính sách tín dụng để các HTX có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh và có điều kiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp và liên doanh liên kết giữa các HTX. Trong năm 2019, từ 3 tỷ 450 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã cho HTX ở các huyện, thành phố vay đầu tư mở rộng sản xuất, nâng doanh số cho vay từ năm 2016 đến nay lên 9 tỷ 235 triệu đồng, với tổng số 37 HTX được vay vốn.

Việc gắn kết các hộ trong môi trường HTX tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khi có tới 54 chuỗi sản xuất của các HTX được xây dựng và duy trì hỗ trợ. Thành công trong phát triển kinh tế HTX ở tỉnh Sơn La là kết quả của việc triển khai các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và phát triển nông nghiệp hữu cơ; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Có thể nói, cái được lớn nhất trong kinh tế tập thể HTX chính là bà con biết hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo kế hoạch, theo vùng quy hoạch, đặc sản, lợi thế vùng miền. Sơn La ngoài tiếp tục phát triển HTX nông nghiệp cũng sẽ phát triển các HTX dịch vụ, vận tải và một số dịch vụ khác để hỗ trợ cho các HTX sản xuất phát triển.

Duy Linh- Văn Hùng - Văn Lệ