Giai đoạn 2016-2020, Sơn La đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách lớn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Đến nay, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ơở Sơn La được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện; bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Đời sống của đồng bào dân tộc ở Sơn La được nâng lên rõ rệt nhờ triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số mới đạt 19,6 triệu đồng/năm, bằng 75% thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao. Kết cấu hạ tầng còn thiếu; sản xuất nông nghiệp còn manh mún; khả năng tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào các dân tộc còn hạn chế…

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 và chương trình năm 2022 trên địa bàn tỉnh. 

Mục tiêu của chương trình nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm số xã, bản có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số có đủ về cơ cấu, phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020.

Giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn và giảm 52 bản đặc biệt khó khăn. 100% các trường học (nơi có học sinh bán trú) ở xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh đáp ứng cơ bản nhu cầu ăn, ở cho học sinh ở các cấp học.

100% đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Bảo Phùng, Thu Hà, Kiều Oanh, Nguyễn Hằng, Đỗ Khôi