Vài ngày nay cuốn sách tranh mang tên “Sát thủ đầu mưng mủ” đang khiến cư dân mạng “sốt xình xịch”. Người cho là dí dỏm hài hước, kẻ lại chỉ trích rằng những ngôn từ trong bộ truyện tranh đã làm méo mó tiếng Việt.

TIN BÀI KHÁC
Chẩn bệnh cho cô gái 'hóa' bà lão ở Quảng Nam
Người phân làn bằng điếu cày có bị xử lý?
Bộ trưởng Thăng lại 'trảm' nhà thầu
Công chức trung ương vào làm từ 9h sáng
Thêm một 'Cặp đôi hoàn hảo' bức xúc về BTC
Osin cuỗm của chủ 6 cây vàng
Thực hư chuyện "linh miêu hồi sinh xác chết"
Rihanna đạo nhạc Hà Trần?

Cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” phát hành trong tháng 10/2011 do họa sĩ Thành Phong thực hiện theo lời đặt hàng của Công ty Văn hóa - truyền thông Nhã Nam. Họa sĩ mất 5 tuần để thực hiện các bức tranh minh họa. Sách tập hợp những câu nói thông dụng, cửa miệng hiện nay của mọi người, đặc biệt của người trẻ như: "Ngất ngây con gà tây", "Phi công trẻ lái máy bay bà già", "Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá", "Tào lao bí đao", "Tự nhiên như cô tiên", Xấu nhưng biết phấn đấu", "Đói như con chó sói"... Mỗi câu nói như thế đều đi kèm với một tranh vẽ biếm họa do Thành Phong thực hiện.

Ngay sau khi ra mắt, sách này đã khiến teen và thậm chí cả người lớn cũng đua nhau tìm đọc. Tuy nhiên, bộ sách gồm 120 câu nói thông dụng của teen hiện thời đã gặp phải hai luồng dư luận trái chiều, người thì cho ngôn ngữ của teen như thế là hợp, là dí dỏm, hài hước. Bộ phận khác lại cho rằng, ngôn ngữ trong bộ sách đã làm méo mó tiếng Việt.

Dí dỏm hay nhảm nhí?

Trên diễn đàn Webtretho, bạn có nickname bonnie2009 cho rằng: “thành ngữ teen mà, nhí nhố là phải, nhưng mà vui đấy chứ, hay ho nhất là bức "ăn chơi ko sợ mưa rơi", như xem đuổi hình bắt chữ ấy nhỉ?”. Còn bạn mimo thì cho rằng; “sách nhảm, nhưng vui, đề nghị tác giả bổ sung thêm bởi vẫn còn rất nhiều câu nói mà teen thường ngày vẫn dùng mà chưa có trong cuốn sách này”.

 
Nhiều hình ảnh trong cuốn sách được cho là có sáng tạo

“Tôi thấy sách này hay đấy chứ, đọc nó tôi thấy thoải mái. Không những thế, nhiều câu trong cuốn sách này rõ ràng là dùng tính hài hước để châm biếm một vài thói hư tật xấu, đặc biệt là thói thực dụng của teen bây giờ như câu “trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng” ” - bạn hamvui chia sẻ.

Không chỉ gây cơn sốt trên mạng, ở ngoài đời thường, bất kể ngóc ngách nào, những cô cậu tuổi teen cũng truyền tay nhau cuốn sách và thi thoảng lại ôm nhau cười nghiêng ngả.

Hoài An, học sinh trường Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Mấy ngày nay, lớp em đâu đâu cũng bàn tán xôn xao về cuốn sách này. Chúng em thuộc hết 120 câu và nhớ như in những hình ảnh đi kèm với những câu đó trong cuốn sách. Vui thật, đúng là cuốn sách này “chuẩn không cần chỉnh”.

Còn Minh Hà (trường Lê Quý Đôn, Hà Đông) hồ hởi cho biết, dạo này những bạn trong lớp cứ hễ gặp nhau thấy bạn nào có bộ quần áo mới là lại trêu, đúng là “ăn chơi sợ gì mưa rơi”, hay chẳng may bị cô giáo gọi lên bảng đúng hôm không thuộc bài, các bạn lại lẩm bẩm và nói rằng “cô ác như con tê giác”. Theo Hà, đa số các bạn trong lớp thấy cuốn sách này rất hóm hỉnh, học hành căng thẳng, thi thoảng bỏ ra đọc cho xả stress.

 
Câu nói xuyên tạc trên bị lên án gay gắt, mang tích kích động hơn là giáo dục

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, những ngôn từ trong bộ sách quả thật nhảm nhí: Tiếng Việt trong sáng là thế, phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chứ, những câu nhảm nhí như thế mà cũng làm thành sách. Không thể hiểu nổi” - bạn khotinh chia sẻ.

 
Hình và câu nói này lại bị lên án bởi nó đi ngược với văn hoá người Việt

Thành viên hama trên thì bực mình và cho rằng: “Mình cực kỳ dị ứng với những câu "thành ngữ" vô nghĩa và nhảm nhí ấy. Thời gian gần đây trên hầu hết các diễn đàn lại thêm câu cửa miệng : vãi Luyện. Mong diễn đàn có chức năng vote trừ để mình vote trừ những người đó”.

“Hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ đã in sâu vào tiềm thức người Việt, nhắc đến họ chúng ta luôn tự hào vậy mà trong sách lại có câu “bộ đội phải chơi trội” và kèm theo hình ảnh rất phản cảm. Thật nhí nhố hết sức”- bạn hoalan bức xúc chia sẻ.


"Bộ đội phải chơi trội" - dùng lựu đạn làm cầu

Không những thế, bạn mian còn tỏ vẻ tức giận: “ Tại sao những câu như “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”, “một điều nhịn là chín điều nhục”lại có thể cho vào cuốn sách này được nhỉ, nó đi lại ngược lại với truyền thống của dân tộc.”

Sự trong sáng của tiếng Việt đã bị bóp méo?

Trước những luống ý kiến khen chê lẫn lộn, tác giả cuốn sách - Nguyễn Thành Phong cho biết trên Giáo dục Việt Nam, anh cũng lường trước sẽ có không ít người phản đối vì cho rằng những câu thành ngữ này sẽ khiến giới trẻ không còn giữ được sự trong sáng của ngôn ngữ. Nhưng anh quan niệm rằng, ngôn ngữ và bộ phận nhỏ hơn của chúng là những "thành ngữ đương đại", khi chúng có thể tồn tại và lan rộng như vậy, tự chúng đã phải có lý do.

Khi được hỏi về việc một bộ phận giới trẻ hiện nay thường dùng những ngôn ngữ lệch chuẩn để giao tiếp, TS. Tùng Lâm Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội từng chia sẻ trên Thanh niên Việt Nam: “Trước tiên, chúng ta phải giáo dục để các em hiểu rõ đâu là chuẩn mực ngôn ngữ, chứ không nên lầm lẫn khi biến phương tiện làm việc thành phương tiện giao tiếp. Lời nói lệch chuẩn có thể dẫn đến tư duy, hành vi lệch lạc. Vì thế, việc làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt cần phải được lên án”.

Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?” (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

“Trong tiếng Việt bây giờ có những biểu hiện không tốt, thiếu trong sáng, sai chuẩn mực, trước hết là do chúng ta đã coi nhẹ, thậm chí buông lỏng, thả nổi công việc quan trọng này. Chúng ta đã không đầu tư thích đáng trí tuệ, công sức và tiền của để nghiên cứu lý luận và điều tra thực tế về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt. Nhưng ở đây quan trọng nhất vẫn là nhận thức, là tình yêu, là lòng quý trọng và thái độ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Có ba khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: Một là giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta; Hai là nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta; Ba là giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn nghệ, chính trị, khoa học, kĩ thuật...” (Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Mẫn Chi (tổng hợp)