Gã điên với nỗi ám ảnh mang tên không gian

Mỗi thế kỷ đều có một cá nhân định nghĩa lại thế giới. Họ thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và hành động, đồng thời định hình lại hiểu biết của chúng ta về bản thân và vị trí của mình trong vũ trụ. Và thế kỷ này, người đàn ông đó chính là Elon Musk.

Elon Musk từng được so sánh với Thomas Edison và Steve Jobs, những người có ý tưởng điên rồ và hành động kỳ quặc. Và sự kỳ quặc của người đàn ông giàu nhất hành tinh này được thể hiện ngay từ tên gọi - Elon Musk. Ông sinh ra ở Nam Phi nhưng gốc gác gia đình ông rất phức tạp: họ ngoại đến từ Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), còn họ nội lại đến từ Anh và sau đó là Nam Phi. Cái tên Elon có nguồn gốc từ phía gia đình bên ngoại. Ông nội của Musk là John Elon Haldeman, vì vậy Musk là họ đến từ bên bố.

Elon Musk từng gây "sốc" với ý tưởng (hay tham vọng) điên rồ - biến Sao Hỏa thành thuộc địa của Trái Đất. Nhà báo Ashlee Vance, người viết tiểu sử cho Musk, cho biết Musk từng thổ lộ với ông về nguyện vọng nghỉ hưu và chết trên Sao Hỏa.  

Elon Musk ám ảnh với giấc mơ không gian (Ảnh: Bloomberg).

Khi còn là một đứa trẻ, Elon Musk đã "tiêu thụ" hàng tấn sách khoa học viễn tưởng. Do đó, có thể hiểu tại sao ông lại cố chấp với không gian đến vậy.

Vũ trụ ẩn chứa sức mê hoặc lớn đối với con người. Nhiều người ôm mộng tưởng có thể "đi thăm" không gian, khám phá những thứ ngoài Trái Đất. Và Musk, một kẻ cuồng khoa học viễn tưởng, không phải ngoại lệ.

Những năm gần đây, Elon Musk dần chuyển ý tưởng xây nhà kính trên Sao Hỏa sang tổ chức một số lượng lớn các vụ phóng tên lửa đưa hàng hóa và con người lên vũ trụ bằng cách thành lập SpaceX, một công ty hàng không vũ trụ tư nhân.

Theo Musk, mặc dù những năm đầu tiên của công ty thật khó khăn, nhưng nó vẫn làm nên lịch sử bằng cách phóng tên lửa Falcon 1 đến quỹ đạo và đã thành công trong lần thử thứ 4.

SpaceX chắc chắn không phải thành công trong một sớm một chiều. Những người sáng lập và nhà đầu tư của công ty đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp công ty tạo nên dấu ấn như ngày nay. Uy tín của công ty có trụ sở tại California này ngày một nâng cao với các hợp đồng đạt được từ các cuộc phóng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lực lượng Không quân Mỹ.

SpaceX và các cột mốc

Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian (SpaceX) là một nền tảng hàng không vũ trụ tư nhân được tạo ra với mục đích đưa các vệ tinh vào quỹ đạo và vận chuyển hàng hóa. Công ty xây dựng một hệ thống phóng và tên lửa có thể tái sử dụng, nhờ đó, cắt giảm đáng kể chi phí bay vào vũ trụ.

Năm 2001, Musk cùng vài người bạn sang Nga để mua một số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Thời điểm đó, người đàn ông này không có ý định kinh doanh. Ông chỉ muốn dồn hết tài sản mua một tên lửa Nga với giá rẻ cho mục đích đưa một số cây trồng hoặc chuột lên Sao Hỏa và đảm bảo họ trở về an toàn.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán thất bại, khiến Musk tuyên bố rằng, ông có thể tự chuẩn bị tên lửa. Và vài tháng sau đó, SpaceX ra đời.

Với SpaceX, mục tiêu của Musk là phát triển một tên lửa vừa có chi phí thấp vừa có thể tái sử dụng và có khả năng thực hiện nhiều chuyến đi.

Elon Musk thành lập SpaceX với mục tiêu ban đầu là phát triển tên lửa chi phí thấp (Ảnh: CNBC)

Để đạt được mục tiêu này, Musk đã tuyển dụng nhà thiết kế tên lửa Tom Mueller - người đồng hành cũng công ty  trong 2 năm để phát triển Falcon 1, tên lửa đầu tiên của SpaceX. Musk cũng đóng góp vào công trình này bằng cách rót vốn 100 triệu USD từ quỹ cá nhân.

Năm 2010, SpaceX trở thành chủ đề bàn tán trên khắp thế giới khi trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng một tải trọng lên quỹ đạo và đưa nó trở lại trái đất một cách an toàn. Năm 2012, SpaceX tiếp tục đưa tàu chở hàng lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Ngày 21/12/2015, SpaceX phóng một tên lửa có tên Falcon 9 vào không gian và trở về, hạ cánh trong trạng thái hoàn toàn nguyên vẹn, đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của công ty.

Ngày 30/5/2020, SpaceX đã khởi động sứ mệnh phi hành đoàn đầu tiên, trong đó một chuyến bay thử nghiệm có tên Demo-2 đã đưa các phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley của NASA lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Tiếp theo là sự ra mắt hấp dẫn của một phi hành đoàn gồm 4 phi hành gia lên ISS vào ngày 15/11/2020. Sự kiện này biến SpaceX thành hãng hàng không thương mại duy nhất có khả năng đưa các phi hành gia lên vũ trụ vào đầu năm 2021.

Sau 4 chuyến bay thử nghiệm thất bại trước đó, SpaceX đã phóng và hạ cánh thành công tàu Stars tương lai vào ngày 5/5/2021, hoàn thành chuyến bay thử nghiệm của tên lửa mà Elon Musk dự định dùng để hạ cánh phi hành gia trên mặt trăng và đưa người lên sao Hỏa.

Mới đây nhất, ngày 8/4, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã đưa tàu Crew Dragon rời bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ) mang theo 4 thành viên đều là dân thường. Đây là chuyến bay đánh dấu lần đầu tiên một phi hành đoàn tư nhân đến thăm ISS.

Mô hình kinh doanh và nguồn thu

Kể từ khi được thành lập vào năm 2002, SpaceX đã phát triển một loạt các hệ thống tàu vũ trụ và tên lửa, duy trì mục tiêu không đổi là cắt giảm đáng kể chi phí bằng cách xây dựng nhiều bộ phận của hệ thống có thể tái sử dụng.

Đi tiên phong trong lĩnh vực này và liên tục gặt hái thành công khi khởi chạy và sử dụng lại các bộ phận tên lửa, về lâu dài, công ty hướng tới thiết lập các hệ thống tên lửa có thể tái sử dụng hoàn toàn như một phương tiện để tiếp cận các hành tinh khác.

Các phi hành gia NASA bên trong tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon Resilience (Ảnh: NASA).

SpaceX kiếm tiền thông qua việc phóng vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và việc vận chuyển hàng hóa đến và đi từ ISS.

SpaceX có thể phóng một tên lửa với giá chỉ 90 triệu USD, so với 380 triệu USD của các công ty đối thủ. Chi phí thấp hơn một phần là do công ty tập trung vào việc tự sản xuất. Chẳng hạn, thay vì chi 50.000 - 100.000 USD để mua thiết bị vô tuyến và các thiết bị liên lạc khác, SpaceX có thể tự sản xuất các thiết bị này với giá 5.000 USD.

Điều này cho phép SpaceX thiết lập nhiều lần phóng hơn và mang đến cho công ty cơ hội tốt hơn để trau dồi và nâng cao năng lực tái sử dụng các bộ phận.

Định giá công ty tăng qua các năm, vượt mặt cả sự gia tăng doanh thu. Rõ ràng, SpaceX có mục tiêu bổ sung vào nguồn doanh thu trong tương lai, kết hợp các nguồn doanh thu tiềm năng từ các "vũ khí" khác như Starlink - chòm sao internet vệ tinh.

Mô phòng dự án Internet vệ tinh Starlink (Ảnh: NASA/ Getty).

SpaceX đã thiết lập vệ tinh Demo 2 với mục tiêu hướng tới hơn 4.000 vệ tinh trong tương lai gần để phát triển mảng internet vệ sinh Starlink. Các vệ tinh này sẽ cung cấp truy cập internet chi phí thấp trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, một nguồn thu tiềm năng hiệu quả khác là du lịch tốc độ cao trên Trái đất. SpaceX với sự phát triển không ngừng và công nghệ tên lửa tái sử dụng đã đặt ra thách thức đối các hãng hàng không trong tương lai gần. Theo đó, công ty sẽ sử dụng một hệ thống dựa trên tên lửa tốc độ cao đã hoàn thiện để đưa hành khách từ một điểm đến quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và quay trở lại Trái Đất an toàn tại nơi hạ cánh.

Theo các dự báo nội bộ của SpaceX do The Wall Street Journal thu được cách đây vài năm, công ty dự đoán tăng doanh thu lên hơn 200% trong khoảng thời gian 2016 - 2020. Và nếu công ty tiếp tục phát triển theo những dự báo đó, doanh thu có thể tăng hơn gấp năm lần trong vòng 5 năm tới.

Tính đến tháng 10/2021, SpaceX được định giá trên 100 tỷ USD. Với giá trị lớn như vậy, đây có thể được coi là siêu kỳ lân trong giới công nghệ, theo CNBC.

SpaceX - một siêu kỳ lân trong giới công nghệ (Ảnh: WeeTracker)

 Kế hoạch tương lai

Theo tiết lộ từ NASA, SpaceX đặt ra kế hoạch thực hiện 52 chuyến bay trong năm nay. Nếu thành công, đây sẽ là lần phóng nhiều nhất mà công ty từng thực hiện trong một năm, với kỷ lục trước đó vào năm ngoái là 31 lần phóng.

Theo Finty, SpaceX đã cách mạng hóa ngành du hành vũ trụ, vận tải và sản xuất hàng không vũ trụ. Công ty có mục tiêu chính là thương mại hóa du hành vũ trụ, giảm chi phí cần thiết để cho phép thực địa hóa Sao Hỏa và Mặt Trăng. Để làm được điều đó, công ty cần tạo ra tiền mặt.

Trong quá trình hoạt động, SpaceX mở nhiều vòng gọi vốn, thu hút đầu tư từ các quỹ như Founders Fund, Draper Fisher Jurvetson và Valor Equity Partners. Tháng 1/2015, SpaceX có vòng gọi vốn đáng chú ý khi được Google và Fidelity Investments đầu tư với số tiền 1 tỷ USD đổi lấy gần 10% cổ phần. Trong năm 2019, SpaceX gọi vốn 3 lần và nhận về tổng cộng 1,33 tỷ USD, theo CNBC. Đợt gọi vốn mới nhất vào tháng 4/2021, công ty huy động được khoảng 1,16 tỷ USD. 

SpaceX sẽ vẫn tiếp tục phát triển dự án internet vệ tinh Starlink. Theo ước tính của công ty, việc xây dựng Starlink sẽ tốn khoảng 10 tỷ USD hoặc hơn, nhưng tin rằng, mạng lưới này chắc chắn sinh lời, mang lại doanh thu lớn. Sau khi tạo ra dòng tiền ổn định, SpaceX có kế hoạch phát hành công khai cổ phiếu Starlink.

SpaceX cũng tham vọng với các chuyến bay thương mại bằng tàu vũ trụ Starship, đưa hàng hóa và hành khách lên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Công ty đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu tiên có khả năng thực hiện mô hình bay vũ trụ thương mại bền vững và đang tiến gần hơn đến mục tiêu đó mỗi năm.

 Ảnh hoạt hình tên lửa (Ảnh: SpaceX.)

Các đối thủ cạnh tranh lớn của SpaceX là liên doanh vũ trụ Blue Origin thuộc sở hữu của cựu Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos và Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson trong nhóm liên doanh tên lửa thương mại đang phát triển mạnh mẽ.

Theo đánh giá của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nền kinh tế vũ trụ có thể trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040.

Ngay từ khi thành lập, mục tiêu của SpaceX là đến được Sao Hỏa nhưng công ty cũng đã tham gia vào các dự án không liên quan đến không gian.

Thật đáng để chờ xem siêu kỳ lân mang tên SpaceX đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này như thế nào.

(Theo Dân Trí)