- Trong khi nghị trường đang sôi động bàn bạc về trách nhiệm của bộ trưởng thì dân chúng có ngay 3 "sự cố" để so sánh: tai nạn đường sắt trên cao ở Hà Nội, nghi án công ty Bio-Rad hối lộ và bế tắc thủ tục đưa người đi cai nghiện.
>> 'Đất nước không bay được nếu Thủ tướng phải lo chi tiết' >> Làm bộ trưởng ngày càng khó >> Thủ tướng nào cũng muốn toàn bộ trưởng giỏi
Quốc hội đang thảo luận dự luật Tổ chức Chính phủ. Rất nhiều ý kiến cho rằng luật lần này phải định rõ hơn trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và kế đến là trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách là tư lệnh tối cao quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực. Trong khi nghị trường đang sôi động bàn bạc về trách nhiệm của bộ trưởng thì dân chúng có ngay 3 “sự cố” để liên hệ và so sánh.
Một là câu chuyện đưa người đi cai nghiện nhưng vướng các quy định, thủ tục theo luật Xử lý vi phạm hành chính. Sự hiện diện tại cuộc họp với UBND TPHCM chiều 7/11 và ý kiến xử lý bế tắc này của Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền là một ví dụ tốt khi bàn đến chủ đề trách nhiệm của các vị bộ trưởng trong Chính phủ. Đó là khi có sự cố, bế tắc ở tầm quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực thì bộ trưởng dứt khoát phải vào cuộc.
Tiếp đó là câu chuyện thông tin công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ hối lộ các quan chức VN để giành hợp đồng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất nhanh chóng có ngay công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ thông tin này là có thật hay không thật, trên cơ sở đó mới có việc xử lý. Báo chí đặt khá nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng, như trong quá trình vào VN làm ăn, công ty này hẳn cũng phải qua Bộ Y tế, VN nhập khẩu từ công ty này những mặt hàng nào…, nhưng đáp lại là câu trả lời rất nguyên tắc, đó là hãy đợi Bộ Công an làm rõ!
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Đinh La Thăng và Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Minh Thăng |
Dân chúng trông đợi sự trả lời và hành động của người đứng đầu ngành y tế, bởi Chính phủ đã giao rất rõ trách nhiệm cho Bộ Y tế là: Ban hành danh mục trang thiết bị thiết yếu cho các đơn vị, cơ sở y tế; Cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe theo danh mục của Bộ.
Cuối cùng là câu chuyện tai nạn đường sắt trên cao ở Hà Nội. Tai nạn chết người xảy ra sáng 6/11 thì ngay chiều 7/11, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã họp với các cơ quan có liên quan để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đưa ra biện pháp nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình thi công các dự án giao thông trong cả nước.Người dân một lần nữa lại cảm nhận rõ trách nhiệm, sự nhanh nhạy và tính quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành của vị tư lệnh ngành GTVT.
Thách thức sáng tạo, quyết đoán
Từ câu chuyện 3 sự cố trên đây chuyển tải thế nào vào dự án luật sao cho rõ trách nhiệm của các vị bộ trưởng là nghệ thuật của các nhà làm luật.
Điều có thể khẳng định ngay là làm bộ trưởng thời buổi kinh tế thị trường là cả một thách thức lớn. Trước hết là yêu cầu, thách thức về tính chủ động, sáng tạo. Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã nói rất trúng khi cho rằng các cơ chế kinh tế, kế hoạch, tài chính.. chúng ta sử dụng lâu nay đã chạm ngưỡng giới hạn, không thể tiếp tục sử dụng nữa. Phải có các cơ chế mới.
Ai là người đưa ra các cơ chế mới nếu không phải một phần quan trọng là từ chính các vị bộ trưởng. Đó có thể là cơ chế đầu tư công, là cơ chế khai thác, huy động vốn đầu tư trong dân từ Bộ KH-ĐT, là cơ chế bán “đường cao tốc” từ Bộ GTVT, là cơ chế vị trí việc làm thay cho cơ chế định biên hành chính theo kiểu bốc thuốc từ Bộ Nội vụ, là cơ chế thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thời gian qua trong lúc chưa có thể chế quy định cụ thể vấn đề này…
Mà muốn sáng tạo được thì phải đổi mới tư duy quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, phải có tri thức, năng lực và kinh nghiệm quản lý. Có cái này thì mới nên nhận phân công làm bộ trưởng.
Tiếp đến là yêu cầu, thách thức về tính nhanh nhạy, quyết đoán trong điều hành, chỉ đạo và dám chịu trách nhiệm đến cùng về công việc do mình phụ trách. Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành trao cho bộ trưởng một trách nhiệm, một quyền rất lớn, đó là quyền đình chỉ việc thi hành các quy định của UBND và chủ tịch UBND các tỉnh trái với các văn bản của bộ về ngành, lĩnh vực. Trong thực tế hầu như các bộ trưởng đều ngại sử dụng đến quyền này, ngại do nể nang, ngại do sợ mất lòng, mất phiếu khi có chuyện bầu cử diễn ra liên quan tới mình, nhất là gần đây có câu chuyện phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó có các bộ trưởng.
Người dân, xã hội đang trông đợi Quốc hội đưa ra được các quy định phù hợp trong dự án luật Tổ chức Chính phủ làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm. Từ đó cũng làm rõ hơn yêu cầu về năng lực, trình độ của các bộ trưởng, thông qua đó có thể có được nhiều vị bộ trưởng thực sự là tư lệnh ngành.
Đinh Duy Hòa
>> Làm bộ trưởng vừa khó vừa dễ >> Bộ trưởng Thăng: Giá có trường lớp dạy làm bộ trưởng >> Làm bộ trưởng ở xứ người >> Tái cơ cấu trách nhiệm >> Bộ trưởng Xây dựng không muốn vô cảm