Không giống như hình ảnh lộng lẫy trên sân khấu, ngoài đời thực, ca sĩ Hà Phạm Thăng Long quá đỗi giản dị khiến nhiều người khó có thể nhận ra đây là một ngôi sao opera nổi bật của Việt Nam
Thạc sĩ, ca sĩ Hà Phạm Thăng Long hiện được xem là giọng nữ cao (soprano) nổi bật của thanh nhạc Việt Nam, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao. Sinh năm 1975, nữ ca sĩ người dân tộc Mường cũng là nghệ sĩ duy nhất từng chính thức được mời tham dự cuộc thi opera tại Mỹ (năm 2004).
Hà Phạm Thăng Long đã từng vào vai chính trong các vở nhạc kịch được dàn dựng tại Việt Nam hay hát cùng những giọng ca quốc tế trong các chương trình lớn. Đặc biệt vở nhạc kịch Cô Sao (2012) đã đưa Hà Phạm Thăng Long tiếp tục lên một tầm cao mới. VietNamNet đã có buổi trò chuyện cùng cô nhân dịp cô quay trở lại với chương trình Hòa nhạc VietNamNet Điều còn mãi 2015.
- Chào chị, 5 năm kể từ lần đầu tiên hát ở chương trình Điều còn mãi 2011, cảm xúc của chị như thế nào khi quay lại với chương trình này?
Thực ra, tôi rất mong muốn năm nào cũng được hát trong chương trình Điều còn mãi. Đây là một chương trình nghệ thuật chất lượng cao mà tôi luôn luôn mong muốn được hát. Tuy nhiên, tùy từng năm mà chủ đề của chương trình khác đi và vì thế, chất giọng của tôi phù hợp với bài hát nào BTC sẽ mời tôi tham gia. Cứ được mời là tôi tham gia.
Điều còn mãi 2015 lần này, được quay trở lại chương trình, lại được hát bài “Vinh quang hồn dân tộc” do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác trong không khí cả nước đang hồ hởi kỷ niệm những ngày lễ lớn, 70 ngày cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2/9 thực sự là vinh hạnh lớn. Tôi rất vui. Đây là lần đầu tiên tôi lĩnh xướng “Vinh quang hồn dân tộc”. Nhìn qua hợp phổ bài này tôi thấy cũng không dài, phần trình bày của tôi lần này là một phần solo ngắn phù hợp với chất giọng của tôi. Tôi hoàn toàn tự tin là mình có thể biểu diễn thành công.
Ca sĩ Hà Phạm Thăng Long trên sân khấu của chương trình Điều còn mãi 2011 cùng ca sĩ Mỹ Linh |
- Sau vở nhạc kịch 'Cô Sao', tên tuổi của chị càng sáng chói hơn bao giờ hết. Thế nhưng, những thông tin riêng trên báo chí về chị thì tỉ lệ nghịch với sự thành công đó. Chị e dè cánh báo chí hay ngại điều gì khác nữa?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là ngôi sao, ngôi sao sáng chói lại càng không. Tôi chỉ được làm nghề đúng với khả năng của mình mà thôi. Và tôi cảm thấy may mắn khi được va chạm với những văn minh nhất của kĩ thuật thanh nhạc trong opera từ nước ngoài mà cá nhân tôi hay nhà nước không phải mất tiền để học, các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam dạy miễn phí nên tôi rất tự tin để làm nghề.
Đúng là sau vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tôi có được báo chí quan tâm hơn chút. Chắc tại đây là vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam lại do nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nên cũng được truyền thông để ý. Việc tôi ít xuất hiện trên báo chí thì có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Phần thì tôi hơi ngại xuất hiện trên báo thật. Phần vì báo chí cũng ít quan tâm tới lĩnh vực âm nhạc này nên không khai thác đó thôi (cười). Mà giả dụ có khai thác chắc công chúng cũng ít quan tâm. Bởi bộ môn nghệ thuật nhạc kịch thích phòng này cũng ít được báo chí định hướng và nhà nước chú trọng quan tâm. Nói chung, bộ môn nghệ thuật của chúng tôi ít được hậu thuẫn từ môi trường xung quanh.
- Công chúng ít quan tâm đến nhạc kịch và nhạc kịch nước nhà vẫn đang bước chậm rãi, chậm rãi nhiều khi như dừng lại. Dẫu vậy, chị vẫn bền bỉ đi theo con đường của mình. Có giây phút nào trong cuộc đời chị muốn dừng lại và bỏ ngang, chọn lối khác không?
Thực ra nói là chán khi không có sự hậu thuẫn từ môi trường xung quanh mình thì vấn đề đó không quá quan trọng đối với tôi. Tôi đã từng được nhiều lần biểu diễn ở nước ngoài và thấy rằng không chỉ ở nước mình mà nhiều nước khác cũng thế. Không phải nghệ sĩ thính phòng nào cũng thành công và họ cũng phải xoay đủ nghề để kiếm sống và cũng có người phải rẽ ngang.
Tôi vẫn đi dạy thêm ở các trường Nghệ thuật, vẫn có sinh viên các trường đến nhờ tôi dạy học riêng nên tôi cảm thấy rất ổn. Cả về vật chất lẫn công việc bởi tôi được hàng ngày hàng giờ làm nghề mà tôi yêu mến. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ dừng lại để rẽ sang hướng khác.
Hà Phạm Thăng Long trong bữa tiệc sinh nhật, cô thật giản dị với quần jeans và khuôn mặt không trang điểm |
- Thú thực với chị, gặp chị tôi cứ nghĩ chị là một nữ danh ca opera nổi tiếng nhìn sẽ rất đặc biệt, rất lộng lẫy chứ không quá đỗi giản dị và mộc mạc. Nói chị là ‘ngôi sao giản dị’ cũng chẳng sai!
Như đã nói ở trên, tôi không bao giờ nghĩ mình là ngôi sao gì đó nên tôi luôn làm những điều mình muốn và mặc những bộ quần áo mình thích, miễn sao tôi cảm thấy thoải mái, thoải mái khi làm việc mà không phải vướng víu gì hết.
Mọi người vẫn bảo tôi sống đơn giản quá, nhưng tôi thích vậy, thích được là chính mình, không tô vẽ, trang điểm. Nhưng khi ở sân khấu bạn sẽ thấy tôi khác nhiều đấy.
Cũng như những bà mẹ khác, tôi cũng phải đi chợ nấu cơm, đón con… nên giản dị với tôi là lựa chọn số 1.
- Các con chị có năng khiếu ca hát giống bố mẹ không? Sau này chị sẽ định hướng cho con theo nghề của mình chứ?
2 con của tôi, con gái (9 tuổi) và con trai (5 tuổi) cũng thừa hưởng năng khiếu âm nhạc của bố mẹ. Vì hai vợ chồng cùng làm việc trong lĩnh vực âm nhạc nên hàng ngày, lúc ở nhà tập hay dạy học cho học sinh, các con tôi đều được nghe. Đặc biệt là cháu trai 5 tuổi, cháu rất nhớ bài và nhớ nhạc. Cháu thường hát theo các anh chị đến học.
Bây giờ thì vậy nhưng lớn lên chưa biết thế nào. Cũng có nhiều người khuyên tôi đừng cho chúng theo nghề của bố mẹ vì chúng tôi đã trải qua rồi, khổ luyện vô cùng. Thế nhưng tôi nghĩ thế này, nếu có đức có tài thì sẽ sống thoải mái với nghề của mình.
- Vợ chồng chị làm cùng nghề như vậy, mỗi lúc đi lưu diễn, anh chị có gặp khó khăn trong việc sắp xếp cho các con ở nhà?
Công việc của tôi cũng không nhiều show như những loại hình nghệ thuật khác. Chúng tôi đi lưu diễn ít lắm. Nếu có thì tôi gửi con cho bà nội trông. Các cháu rất ngoan nên tôi hoàn toàn yên tâm.
- Vợ chồng chị ở chung với mẹ chồng? Có khi nào chồng chị rơi vào cảnh khó xử giữa một bên là vợ một bên là mẹ chưa?
Cái này khó nói quá, cho tôi giữ bí mật cho riêng mình nhé!
- Thế chồng chị có giúp được gì cho chị trong công việc hay không?
Có chứ, vì chúng tôi làm cùng nghề nên hay trao đổi chuyên môn với nhau. Anh ấy cũng giúp tôi trong việc dạy dỗ con cái và vài việc lặt vặt khác.
- Gọi điện hẹn gặp chị, thấy chị nói chị đang đi học bắn. Ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nghệ sĩ cũng phải học bắn sao? Nghệ sĩ mà cầm súng thì như thế nào nhỉ?
À, tôi vừa chuyển công tác sang Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội được 4 tháng. Sang đây tôi làm giảng viên và theo quy định tất cả những giảng viên của trường đều phải trải qua kỳ học bắn súng. Chắc bạn nghĩ nghệ sĩ thì tâm hồn bay bổng, nếu chơi đành thì bàn tay mềm mại thế học bắn súng chắc khó khăn. Không phải đâu, chúng tôi vẫn học bình thường không có gì khác biệt cả.
- Chị nói chị không còn ở Nhà hát nữa, phải chăng chị đã chán đứng trên sân khấu rồi?
Không, sang đây ngoài thời gian giảng dạy, nếu có lời mời tham gia các chương trình phù hợp, tôi sẵn sàng tham gia ngay.
Có câu “thầy già con hát trẻ”, tôi tự thấy mình không còn trẻ trung nữa để gắn bó nhiều với sân khấu, với lại tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình làm nghề mà mình tích lũy được với các em học sinh. Tôi lại được đạo tạo từ trường ĐH Sư Phạm Trung Ương , bố tôi cũng là thầy giáo nên ít nhiều tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm sư phạm từ bố mình, từ trường lớp để giảng những thứ cần thiết cho học sinh của mình. Tôi tự tin khi làm ở lĩnh vực này.
- Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Tình Lê
Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội. |