Theo Sở Văn hóa và Thể thao Bà Rịa-Vũng Tàu, địa bàn tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng. Hiện nay, tỉnh có 12 lễ hội truyền thống, trong đó tiêu biểu là các lễ hội như Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Ông Trần-Nhà Lớn Long Sơn.
Các lễ hội truyền thống ở Bà Rịa-Vũng Tàu thể hiện sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả ba miền Bắc-Trung-Nam và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng nơi đây.
Vừa qua, lễ hội Lễ giỗ bà Phi Yến tại huyện Côn Đảo đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đầu tiên ở Bà Rịa-Vũng Tàu được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vào ngày 17-18/10 Âm lịch hằng năm, lễ giỗ bà Phi Yến được tổ chức tại Miếu bà Phi Yến hay còn gọi là An Sơn Miếu- một địa danh du lịch tâm linh nổi tiếng ở Côn Đảo, nơi thờ người phụ nữ "trung trinh tiết liệt."
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, Nguyễn Thụy Nga, lễ hội, lễ giỗ bà Phi Yến mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa tinh thần của nhiều người dân tại mảnh đất Côn Đảo linh thiêng.
Bên cạnh Lễ hội Lễ giỗ bà Phi Yến đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã lập hồ sơ khoa học đối với Di sản Văn hóa phi vật thể là Lễ hội Nghinh ông tại đình Thắng Tam (thành phố Vũng Tàu) và Lễ hội Dinh Cô (huyện Long Điền), đề nghị Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu đã được các thế hệ ngư dân và cộng đồng dân cư Vũng Tàu duy trì từ hơn 100 năm nay, với nhiều nghi thức mang đậm nét đặc trưng văn hóa miền biển, là dịp ngư dân tri ân Cá Ông (cá voi) vị ân nhân giúp mưa thuận, gió hòa, ngư dân làm ăn thuận lợi.
Lễ hội Dinh Cô (tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) được tổ chức vào ngày 10- 12/2 âm lịch hằng năm được xem là lễ hội nước lớn nhất vùng biển Nam Bộ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng một trong những nét văn hóa của Lễ hội Dinh Cô ở thị trấn Long Hải là nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu - Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhưng ở đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu-Nữ thần mà còn là sự kết hợp của lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng thần biển (bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu-Nữ thần của cư dân địa phương, làm nên nét văn hóa rất riêng cho lễ hội.
Nhận diện giá trị di sản, có các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, di sản, trong đó có các di sản văn hóa phi vật thể, theo lãnh đạo tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang được duy trì, phát triển thành các lễ hội văn hóa, du lịch, thu hút rất đông du khách về hành hương, tế lễ hằng năm, như Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Lễ Trùng Cửu hay lễ hội Sayangva (thần Lúa) và Sayangbri (thần Rừng) của đồng bào dân tộc Chơ Ro.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết liên quan đến phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng văn hóa, phát triển con người Việt Nam trong tình hình mới; đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt là những nét văn hóa, du lịch đặc sắc, di sản văn hóa tiêu biểu.
Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, đối với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, trong đó có Di sản Văn hóa phi vật thể, tỉnh tiếp tục triển khai Quyết định số 5022/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa một số lễ hội như Lễ hội Nghinh Ông ở đình Thắng Tam, Lễ hội Dinh Cô… vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch phát huy giá trị các lễ hội nhằm quảng bá hình ảnh, thu hút du khách đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Huy Linh, Ngọc Ánh, Tạ Linh