Hàng năm, hàng triệu tấn nhựa được sản xuất, sử dụng và một lượng lớn rác thải nhựa kết thúc trong đại dương. Nhựa không phân hủy nhanh chóng mà tạo ra các hạt nhựa siêu nhỏ và gây ra ô nhiễm môi trường. Hậu quả khiến động và thực vật biển bị ảnh hưởng, đối mặt với nguy cơ nuốt phải hoặc bị mắc kẹt trong vấn nạn rác thải nhựa. Bên cạnh đó, nhựa còn có thể phát ra các chất hóa học độc hại, ảnh hưởng đến sinh quyển biển và con người khi nhựa và chất độc hại xâm nhập vào các chuỗi thức ăn.

Một trong những hậu quả đáng chú ý của ô nhiễm nhựa, đó là sự hình thành loại nhựa mới hay còn được biết đến là "plasticrust - vỏ nhựa". Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những tảng nhựa dính lên đá bên bờ biển một hòn đảo ở Bồ Đào Nha và xác nhận đây là một hình thức ô nhiễm nhựa hoàn toàn mới. 

Trước đó, các nhà khoa học quan sát trên đảo Madeira, phía tây bắc châu Phi, xuất hiện những tảng trông như nhựa đã bị chảy ra với đa phần có màu xám hoặc màu xanh. Những vỏ nhựa trông giống bã kẹo cao su hoặc kem đánh răng được bôi lên đá xuất hiện ngày càng nhiều.

plasticrust
Những vỏ nhựa trông giống bã kẹo cao su hoặc kem đánh răng được bôi lên đá xuất hiện ngày càng nhiều.

Sự phát hiện này cho thấy, ô nhiễm nhựa đang thách thức mang tính toàn cầu. Sự hiện diện của plasticrust là chỉ dấu về sự ô nhiễm nhựa lan rộng, tác động tiêu cực đối với môi trường ven biển.

Báo cáo từ nhiều quốc gia cho thấy những loại nhựa mới này chủ yếu được quan sát tại các khu vực ven biển với sự phân bố rộng rãi. Sự hiện diện của plasticrust phổ biến trong môi trường sống ven biển do có mặt dày đặc trên các bãi biển và bờ biển.

Plasticrust là chỉ dấu cho thấy, khủng hoảng nhựa đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, là một mối đe dọa đáng kể cho hệ sinh thái biển, khi những lớp nhựa này có thể trở thành một phần của chuỗi thức ăn và tạo ra hậu quả khó lường.

Để giải quyết vấn đề của ô nhiễm nhựa và plasticrust, cần triển khai các giải pháp toàn cầu và có hệ thống. Các biện pháp như giảm lượng nhựa tiêu thụ, tái chế, và quản lý chất thải hiệu quả rất quan trọng. 

Nhằm quản lý hiệu quả có tính chiến lược, trước hết cần hạn chế sử dụng và tiêu thụ sản phẩm nhựa thông qua việc tăng cường giáo dục cộng đồng về tác động của nhựa đối với môi trường và sức khỏe. Giảm thiểu sử dụng nhựa có thể đạt được bởi việc khuyến khích các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế và tái sử dụng để giảm áp lực lên nguồn nguyên liệu mới. Do đó, cần chú trọng tăng cường hệ thống quản lý chất thải để đảm bảo sự thu gom, xử lý và tái chế chất thải nhựa hiệu quả.

Đối với việc giảm thiểu tác động môi trường của hiện tượng plasticrust đòi hỏi cần phải thực hiện đa dạng các biện pháp phòng ngừa. Việc thực hiện các chiến lược quản lý chất thải hiệu quả sẽ đóng góp vai trò quan trọng đảm bảo các biện pháp kiểm soát giảm thiểu chất thải nhựa, qua đó hạn chế và phòng ngừa sự hình thành hiện tượng plasticrust. 

Đối với người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi tiêu dùng có trách nhiệm thông qua các chiến dịch giáo dục, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng sản phẩm có thể tái chế, giảm thiểu đóng gói và thực hiện các biện pháp tiết kiệm nhựa.

Bên cạnh đó, Nhà nước cùng với doanh nghiệp phát triển các ứng dụng và công nghệ mới giúp giảm ô nhiễm nhựa và tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cần có sự phối hợp trong việc giảm thiểu dòng chảy của rác thải nhựa vào đại dương.

Suy cho cùng, để có thể thực hiện các giải pháp giảm bớt tác động của plasticrust và ô nhiễm nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người, rất cần có sự hợp tác rộng rãi giữa các bên liên quan, từ Chính phủ đến doanh nghiệp và cộng đồng.

Nhóm PV