Vuốt râu, sờ cằm, ra bệnh

Câu chuyện bắt đầu vào đúng 7 năm trước. Đang ngồi họp, anh Nguyễn Khoa Na, sinh năm 1980, đưa tay vuốt râu, sờ cằm. Một khối sưng phồng to bằng quả trứng cút ở phía hàm phải làm anh giật mình. 

Anh vội đi khám, phát hiện xương hàm có khối u. Bác sĩ nghi anh bị u men xương hàm, đề nghị lên tuyến cao hơn. Nhưng rồi khám qua nhiều nơi, bác sĩ tuyến trên lại chẩn đoán anh mắc một loại bệnh nhẹ hơn, không phải can thiệp, chỉ cần nạo khoét dần khối u là ổn. 

“Bệnh nguy hiểm ở chỗ như tổ mối cứ gặm nhấm, bào mòn dần xương hàm. Nếu không can thiệp triệt để, ‘mối mọt’ cứ ăn loang dần, dễ tái phát”, người đàn ông quê ở Huế nói.

Cứ 3 tháng, anh lại vào viện chụp X-quang để theo dõi tiến triển của khối u. Hồ sơ bệnh án của anh được bác sĩ gửi đi nhiều nơi trong nước. 

Đến năm 2020, tức là 3 năm sau khi phát hiện dấu hiệu lạ, gương mặt anh Na đã biến dạng. Vết "mối gặm" loang thêm 7cm. Trên phim X-quang, anh ngỡ ngàng thấy xương hàm gần như bị cắt cụt. “Tay ấn vào khối u cảm giác xương bị xốp đi, y chang khúc gỗ bị mối ăn”, anh kể.

Tình trạng bệnh không giảm dù đã nạo khoét nhiều lần buộc bác sĩ phải đánh giá lại. Cuối cùng, chẩn đoán “u men xương hàm phải” được khẳng định sau 3 năm điều trị sai hướng. Bệnh nhân buộc phải cắt đoạn xương hàm, đưa xương mác (xương ở cẳng chân, nằm cạnh ống đồng) lên để phục dựng hàm mới. 

Kết quả u lành sau sinh thiết khiến anh thở phào. “Sống đã rồi tính”, anh tự nhủ. Sau ca mổ tái tạo xương hàm phải kéo dài 10 tiếng vào tháng 7/2020, anh Na trải qua cơn đau 7 ngày 7 đêm liên tục. 

“Cảm giác như ai đó cầm búa đập vào đầu và chỗ mổ lấy xương ở chân. Lùng bùng, lùng bùng liên tục. Tôi không ngủ được một giây nào trong gần 170 giờ đồng hồ”, anh trầm ngâm.

Tưởng bao nhiêu đau đớn thế là quá đủ với người đàn ông 40 tuổi, nhưng đó chỉ mới bắt đầu. 

“Tôi quan sát những người cùng bệnh, sau 1-2 tuần phẫu thuật có thể xuất viện, riêng tôi vết thương mãi không lành, rỉ rả chảy dịch trong và ngoài miệng”, anh cảm nhận rõ “có gì đó sai sai”. 

Nhưng vì sao “sai” thì anh không tìm thấy câu trả lời thỏa đáng khi đó. Thầy thuốc quyết định mổ tiếp. Trong hơn 4 tháng cuối năm 2020, tổng cộng anh phải gây mê để mổ tới 5 lần: Một lần đại phẫu, 4 lần can thiệp. Vì không thể ăn qua miệng, anh phải mang ống sonde dài khoảng 50-60cm từ lỗ mũi cắm xuống dạ dày, thừa một đoạn trước mũi để bơm đồ ăn. 

Ngày ấy, cứ mỗi sáng, chị Tâm vợ anh lại lọ mọ chuẩn bị thức ăn xay nhuyễn, còn anh Na đi làm phải mang theo xi lanh tự bơm thức ăn. “Ban đầu có nhân viên y tế hỗ trợ lắp ống sonde, riết rồi cũng quen, tôi nhờ người quen hỗ trợ hoặc có khi liều mình tự làm lấy”, anh nhớ. Khi vết thương không ổn hay đau nhức, anh lại vào viện.

“Số ngày chờ đợi nhai được cơm không biết sẽ đến bao giờ? Có khi phải đề nghị tháo xương ghép”, anh đề nghị nhưng không được chấp nhận.

“Bỏ đi hết làm lại từ đầu, anh dám không?”

Một ngày cuối tháng 11/2020, bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung (thời điểm này chị đang công tác tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương) nhận được tin nhắn từ người lạ. Bệnh nhân xưng tên Na, chia sẻ “gặp vấn đề sau mổ vi phẫu xương hàm phải”. 

Nghe bệnh nhân dè dặt chia sẻ lâu nay phải ăn qua sonde, bác sĩ Nhung phân tích việc này trong thời gian dài không ổn. Ống sonde nối từ vùng không có dịch axit đến vùng có, để lâu có thể bị nấm, nhiễm bẩn, luôn có dị vật tì đè, gây loét niêm mạc, nghĩa là sẽ tạo ra bệnh khác, phải tìm cách ăn trở lại bình thường…

Những lời chia sẻ của nữ bác sĩ khiến anh Na cảm thấy mình đã tìm được đúng người. Anh tiếp tục nhắn tin chia sẻ về thảm cảnh chảy mủ tại vết mổ và trong hàm, đã sửa chữa 4 lần nhưng không đỡ… Nhận phim chụp từ bệnh nhân Na, bác sĩ Nhung củng cố nhận định “bệnh nhân có vấn đề” nhưng ít nhất 3 lần, chị khuyên anh quay về bác sĩ mổ để xử lý.

Nhưng bệnh nhân tha thiết quá, bác sĩ Nhung hỏi: “Anh có ra Hà Nội được không, đang dịch Covid-19”, không ngờ bệnh nhân đáp: "Tôi ra ngay".

Người đàn ông nhỏ người xuất hiện trước mặt nữ bác sĩ với gương mặt sưng nề, lệch nhẹ. Vùng xương hàm dưới đang rò mủ, rỉ dịch viêm ra ngoài, vừa hôi vừa bẩn rất đặc trưng. Hình ảnh phim chụp lộ cả xương ghép đã chết. “Một nửa gương mặt bệnh nhân bị viêm hoại tử xương nặng nề, nếu không xử lý, tình trạng sẽ càng tệ hơn”, bác sĩ Nhung nhớ lại. 

Một ca bệnh quá khó. Khó ở chỗ, một bệnh nhân dù có bị khối u phá hủy gây biến dạng đến đâu nhưng nếu được phẫu thuật lần đầu, bác sĩ sẽ dành quyền chủ động trong thiết kế đường mổ, tạo hình… nhưng ca bệnh này đã thất bại một lần, việc mổ lại rất khó khăn. Huống hồ, xương ghép hoại tử trong thời gian dài, bệnh nhân chống chỉ định với tất cả loại tạo hình, không thể cho nẹp vào giữ chỗ được nữa vì sẽ tiếp tục gây kích ứng, viêm nhiễm.

“Cả vùng hàm đều là những tổ chức hoại tử và mủ, cần tháo bỏ để làm sạch, không khác gì ‘đập đi xây lại’, nhưng liệu bệnh nhân có dám làm không?”, nữ chuyên gia nhận định.

Vừa nghe, mắt anh Na bừng sáng, gật đầu ngay: “Có, tôi có! Bác sĩ giúp tôi, tháo càng sớm càng tốt ạ!”. “Tôi đã nghĩ rằng bệnh nhân sẽ đòi giữ bằng được vì sợ một cuộc đại phẫu nữa”, bác sĩ Nhung nhớ lại.

phauthuatbenhnhanNa.jpg
Bác sĩ Nhung cùng cộng sự trong ca mổ lấy xương mác và ghép xương hàm cho bệnh nhân Na. Ảnh: BSCC

Hàm hoại tử xương ghép sau khi được tháo bỏ xong phải bơm rửa sạch, không được khâu kín vết thương vì sẽ ứ dịch bẩn. Bệnh nhân Na phải mất ít nhất 6 tháng chờ liền thương may ra mới mổ được, nghĩa là anh tiếp tục phải ăn đồ nhuyễn, không thể nhai, chấp nhận một gương mặt không có nửa xương hàm. 

Không oán trách, chỉ cần niềm tin

Với một người thời gian dài chờ đợi đầy bế tắc như anh Na, việc được vạch ra định hướng điều trị dù xác suất 50-50 vẫn là điều tích cực.

“Tôi chấp nhận một gương mặt méo mó, xấu xí, biến dạng sau khi tháo bộ xương hàm hỏng. Một bên mặt bị lép hẳn vì không còn xương hàm đỡ mà chỉ có da thịt. Ăn uống dẫu vẫn khó khăn, nhưng niềm tin bệnh có thể chữa được giúp tôi không còn hoang mang, bất lực như trước”, anh Na kể.

Suốt nửa năm chờ đợi, anh Na vẫn đi làm bình thường, nhưng cảm giác không phải ra vào bệnh viện, đặc biệt khi dịch Covid-19 phức tạp, là niềm an ủi lớn. Dù chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn vì ca đại phẫu đầu tiên thất bại, bệnh nhân chưa một lời oán trách. Điều đó khiến bác sĩ Nhung cảm động, muốn đồng hành cùng anh.

Nửa năm sau ca mổ tháo xương hoại tử, như lời hẹn, anh Na háo hức đặt vé vượt 600km ra Hà Nội để được tạo hình hàm mặt. 

Chuyện không thuận lợi như hy vọng. Tổ chức viêm xơ vùng hàm và cổ vẫn cứng ngắc, xơ dính, kéo mặt và khớp cắn lệch hoàn toàn, mạch máu xung quanh đã hỏng, thậm chí anh không thể há miệng. Nghe bác sĩ giải thích cần thời gian chờ đợi khối xơ mềm mại hơn, anh Na nghẹn họng. 

“Nhưng không có cách gì khác ngoài chấp nhận, chờ đợi và tin. Tôi vẫn còn có cơ hội, còn ánh sáng, không được phép sợ hãi”, anh nghĩ.

6 tháng tiếp theo chờ liền thương trùng với cao điểm dịch Covid-19, quãng đường di chuyển từ Huế ra Hà Nội để tái khám càng lắm chuyện bi hài.

“Ít nhất 2 lần tôi đang trên tàu ra Hà Nội thì nhận tin hoãn vì bệnh viện có dịch, đành quay ngược về Huế. Có lần ra được Hà Nội theo lịch rồi, bệnh viện lại phong tỏa vì có ca Covid-19. Bệnh nhân phải vào khách sạn nằm chờ bệnh viện hoạt động lại bình thường”, anh nhớ lại.

Kết thúc cuộc đánh giá sau 6 tháng đầu tiên, bác sĩ Nhung và các cộng sự mà chị gọi là “nhóm Phọt phẹt” lên ngay kế hoạch thiết kế, chuẩn bị cho ca tạo hình.

phauthuatbnNa.jpg
Ca mổ không được phép xảy ra sai sót vì bệnh nhân đã bị lấy một bên xương mác. Ảnh: BSCC

Ca mổ quá nhiều rủi ro. Tổ chức xương hàm, cổ đều cứng xơ, xương hàm còn bị lệch hẳn ra khỏi ổ khớp, không còn trên vị trí ban đầu. Vùng xơ cũng không tìm được các mạch nối bình thường. Liệu có giải phóng được thoải mái vùng cứng xơ? Có đẩy được xương hàm còn lại về đúng vị trí không? Lấy mạch cổ ra sao khi phẫu thuật viên lần trước đã lấy mạch cổ để nối mạch…

Hàng trăm câu hỏi, hàng vạn chông gai được đặt ra. Nhưng điều quan trọng nhất là bệnh nhân không còn cơ hội nào để trở về cuộc sống bình thường. Những lời chia sẻ của anh Na, dù không than vãn nhưng nỗi đau khổ là hiện hữu, khiến bác sĩ không thể khoanh tay đứng nhìn.

Cận Tết Âm lịch 2022, khi quay lại sau 1 năm chờ đợi, bề ngoài gương mặt anh Na chỉ lệch nhẹ, nhưng trên phim chụp độ lệch rất rõ rệt.

Điều may mắn là thời điểm đó, nhóm bác sĩ “Phọt phẹt” của bác sĩ Nhung ứng dụng cập nhật công nghệ số 3D để tạo hình xương hàm bằng vạt xương mác vi phẫu. Các phương án, tình huống được tính toán cho ca bệnh được xem là áp lực nhất với các bác sĩ.

“Ca mổ không được phép xảy ra sai sót vì bệnh nhân đã bị lấy một bên xương mác, còn một bên thôi. Nếu không thành công, bệnh nhân phải chịu khổ vĩnh viễn, hai chân đều yếu”, bác sĩ Nhung kể.

Sự nhẫn nại đáng phục

“Ngày vào ca đại phẫu tạo hình lần 2 kéo dài 10 tiếng, tôi đã hình dung như sợi chỉ mành treo chuông”, anh Na nhớ lại. Với mổ vi phẫu, phẫu thuật xong không phải là kết thúc. Việc theo dõi, chăm chút sau mổ rất căng thẳng. Phẫu thuật viên, người nhà luôn phải trông bệnh nhân “như trông em bé mới đẻ”, từ mạch máu rồi vạt lấy, vạt ghép có sống tốt không… rồi lại lo phần xơ cứng cũ liệu có co kéo, ảnh hưởng liền thương hay không hay lại kéo lệch vị trí? 

Đặc biệt, để giữ ổn định khớp cắn không xô lệch sau mổ, anh Na vẫn phải đặt sonde dạ dày. Thông tin này như “dội gáo nước lạnh” vào sự háo hức của anh nhưng người đàn ông tự trấn an, cố gắng thêm một chút là đến đích. Không cho phép bản thân dễ dàng rơi nước mắt, nhưng khi nghe các bác sĩ nhắc nhở, dặn dò người nhà từ cách giữ tư thế đầu giữ vết mổ vùng cổ, hàm; đến việc chườm khăn ấm quanh vùng chân lấy xương mác nếu anh ngứa ngáy khó chịu…, anh Na phải kìm nén sự xúc động. Còn với các bác sĩ, sự nắn nót, giữ gìn, kiên trì nâng niu thành quả sau mổ của nam bệnh nhân khiến ai nấy cảm phục.

Ngày 22/1/2022, sau khi tháo cố định hàm, trên Facebook cá nhân, anh Na cập nhật hình ảnh bữa cơm với món thịt luộc cắt vụn, canh và bát cơm nhỏ với lời chú thích ngắn gọn nhưng nghẹn ngào: “Bữa cơm đầu tiên sau hơn 550 ngày húp cháo và 9 cuộc mổ”. 

benhnhanNa
Bữa cơm đầu tiên sau hơn 550 ngày húp cháo, 9 cuộc mổ của anh Na. Ảnh: NVCC

Đọc dòng trạng thái trên facebook bệnh nhân có nhắc đến mình, bác sĩ Nhung xúc động. Gần 2 năm chờ đợi cảm giác được nhai cơm như người bình thường, anh Na mới kể lại tường tận những cảm xúc suốt nhiều năm giấu kín. 

“Hoá ra bệnh nhân đã tinh tế giữ lại sự đau khổ để không tạo thêm áp lực cho bác sĩ chúng tôi”, bác sĩ Nhung nói.