Các gói hàng cần giao gấp trong ngày nhiều đến mức không để vừa thùng chứa của xe tải, một số được chất đống trên ghế phụ, cạnh tài xế.
Nhân viên giao hàng Nhật Bản (44 tuổi), người từ chối tiết lộ họ tên, nói với Mainichi rằng anh bắt đầu làm việc lúc 9h và không ngừng nghỉ trong suốt 13 tiếng qua.
Bữa trưa với shipper này là một chiếc bánh ngọt. Anh ăn ngay trên xe trong vòng 5 phút.
Tài xế đến từ Yokohama nói rằng anh làm việc quá sức và bắt đầu thấy khủng hoảng từ hồi tháng 9. "Tôi phải lái xe liên tục. Nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi có thể gây ra tai nạn hoặc ngã xe. Những gói hàng này có thể giết chết tôi".
Nhiều shipper kiệt sức vì làm hơn 12 giờ/ngày. Ảnh: Japan Times. |
Bị đẩy đến giới hạn
Tháng 11/2017, người đàn ông này đã ký hợp đồng với một công ty chuyển phát do Amazon Japan GK thầu phụ để giao các gói hàng.
Lương khởi điểm của tài xế là khoảng 180.000 yen. Số tiền không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nên anh phải liên tục vay mượn. Tổng số nợ hiện lên tới 1,8 triệu yen.
Vì muốn tăng thêm thu nhập, người này bắt đầu kinh doanh riêng với tư cách là một nhà cung cấp dịch vụ giao hàng hay còn gọi là tài xế giao hàng tự do.
Với tài xế giao hàng tự do, họ phải tự chuẩn bị phương tiện giao hàng cũng như tự trả tiền xăng và các chi phí khác.
Trong mùa dịch, nhiều shipper cảm thấy không được trả công xứng đáng. Ảnh: Nikkei. |
Tài xế đến nhà kho của công ty giao hàng theo hợp đồng lúc 8 giờ, 5 ngày/tuần. Chiếc xe tải nhỏ luôn chất đầy những gói hàng cần được giao vào ngày hôm đó.
Anh được trả 17.000 yen/ngày, bất kể số lượng kiện hàng có thể giao là bao nhiêu. Thu nhập hàng tháng khoảng 350.000 yen. Sau khi trừ tiền xăng và các chi phí khác, tài xế còn khoảng 200.000 yen.
"Tôi còn nợ 1 triệu yen và đang trả khoảng 50.000 yen/tháng, vì vậy cuộc sống rất khó khăn. Tôi muốn kết hôn, nhưng không có tiền. Tôi cũng không thể gặp gỡ ai đó vì nơi làm việc toàn là đàn ông".
Ngoài ra, trong thời kỳ dịch bệnh, số lượng các gói hàng tăng lên đáng kể. Đầu năm ngoái, mỗi ngày tài xế giao khoảng 110 gói hàng, nhưng từ khoảng tháng 5 năm nay, có lúc con số này đã tăng lên đến hơn 200 gói.
"Tôi cảm thấy như mình đang bị đẩy đến giới hạn. Tiền công mỗi ngày không thay đổi, nhưng số lượng gói hàng đã tăng lên đáng kể".
Giảm lương, sa thải vô lý
Một người đàn ông khác (30 tuổi) sống ở Tokyo cũng đã đăng ký trở thành tài xế giao hàng tự do vào năm 2019.
Anh làm việc 8 tiếng/ngày, chủ yếu từ 7h đến 15h và kiếm được 16.000 yen/ngày. Người này hài lòng với công việc và nghĩ mình có thể giữ nhịp độ làm việc như vậy đồng thời có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, tháng 10/2020, công ty giao hàng đột ngột hủy hợp đồng với anh, gửi email giải thích ngắn gọn: "Chúng tôi đã nhận được nhiều báo cáo từ khách hàng về việc hàng hóa chưa được giao".
Người đàn ông này đã nộp đơn khiếu nại lên công ty, nói rằng anh luôn hoàn thành đơn hàng đúng quy trình, chưa từng gây ra sự cố. Tuy vậy, đến hiện tại, anh chưa nhận được phản hồi từ công ty.
"Tôi cảm thấy rằng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Tôi không thể chấp nhận điều này", tài xế nói.
Khoảng 40% tài xế giao hàng ở Nhật từng bị công ty đơn phương cắt giảm, thay đổi bất lợi về giá cước. Ảnh: Paolo from Tokyo. |
Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT), số lượng các doanh nghiệp vận tải có động cơ cỡ nhỏ, cung cấp dịch vụ giao hàng bằng ôtô hoặc xe máy khoảng 150.000 vào cuối năm 2016. Nhưng số lượng đã tăng lên, đạt khoảng 177.000 vào cuối tháng 3/2020.
Một quan chức MLIT cho biết: "Khi số lượng doanh nghiệp bán hàng hóa trực tuyến và các dịch vụ khác ngày càng tăng, số lượng tài xế tự do ký hợp đồng với các công ty giao hàng có lẽ cũng đang tăng lên".
Với tư cách là tài xế tự do, những người này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động, quy định về mức lương tối thiểu và giờ làm việc tối đa.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công đoàn vận chuyển hàng hóa Keikamotsu Union có trụ sở tại Yokohama, hơn 25% nhân viên giao hàng tự do làm việc hơn 12 giờ/ngày. Khoảng 40% từng bị công ty đơn phương cắt giảm, thay đổi bất lợi về giá cước.
Hideharu Takahashi, đại diện của công đoàn, cho biết: "Một số công ty viết trong hợp đồng rằng: 'Nếu giao hàng không đúng địa chỉ, tài xế sẽ bị phạt 30.000 yen'. Nhiều người bị sa thải vô lý hoặc bị buộc phải làm điều gì đó bất lợi. Tuy nhiên, nếu tài xế phàn nàn, hợp đồng của họ sẽ bị hủy bỏ hoặc không được giao việc nữa".
Theo Zing
Lễ tân khách sạn làm thêm shipper mùa dịch
Ban ngày làm lễ tân tại một khách sạn, sau giờ hành chính anh Ân lại khoác lên mình chiếc áo shipper đi giao hàng và giành thời gian tham gia nhóm cứu hộ miễn phí giúp đỡ người bị tai nạn.