Từ trước tới nay những gì các nhà khoa học có trong tay là những dấu vết các vụ cháy do cháu Th. gây ra và gia đình kể lại chứ chưa ai được chứng kiến tận mắt khả năng phát cháy của cháu Th. |
Hiện tượng xảy ra ở Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, và nhân vật có khả năng đặc biệt là cháu gái Th. mới 11 tuổi, học sinh tiểu học.
Hầu hết diễn biến các vụ cháy đều theo lời kể của chủ nhà, anh V. bố cháu Th. và các thành viên khác trong nhà. Theo đó, câu chuyện bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 4/2012: cầu dao nguồn bị cúp liên tục do chập điện. Tiếp theo là những vụ cháy bất thường khi cháu Th. có nhà. Cao điểm là vụ cháy toàn bộ tầng 3 hôm 12/5/2012.
Người ta còn kể, đám cháy cũng xảy ra ở nơi cháu Th. được đưa đến trú tạm hoặc ở trường lúc cháu đến học. Có cả trường hợp cháy ở một căn phòng khi Th. có mặt ở phòng khác trong cùng ngôi nhà mình.
Tất cả các hiện tượng trên đã được gia đình và một số nhóm nghiên cứu kết luận là có nguyên nhân từ Th.- cháu ở đâu thì đồ đạc ở đó có thể bốc cháy. Người ta cho rằng ở Th. có khả năng toả ra xung “năng lượng” hoặc phát ra nguồn “hoả xà” hay “lửa Tam muội”…
Nhiều nhóm nghiên cứu và “nhà nghiên cứu” độc lập đã tiếp cận, khảo sát và tìm cách giải thích.
Vào cuộc nhanh nhất và rút lui sớm nhất là Trung tâm Cảm xạ địa sinh học thuộc Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Họ đã đến chụp ảnh cộng hưởng từ RFI và kết luận: Bán cầu não của cháu Th. có hào quang lạ và “đây là một tài sản quý và cần được bảo vệ”. Nhưng chỉ vài ngày sau đó đã quay lại nghi ngờ: Nguyên nhân cháy là do Th. tự đốt bằng “đèn khò” Trung Quốc.
Tiếp theo, những nhà chuyên môn vật lý vào cuộc. Một nhóm đem thiết bị đến đo điện trở trên da cháu Th. và các thông số vật lý khác, nhưng không đưa ra kết luận gì. Một tiến sĩ vật lý khác đến thăm, khảo sát các dấu vết cháy để lại, giải thích, phản biện từng trường hợp và cuối cùng nhận xét: đây chỉ là trò lừa bịp.
Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, dĩ nhiên, không bỏ qua sự kiện bí ẩn này. Một nhà nghiên cứu ngoại cảm lâu năm kể lại: đã chứng kiến một vụ cháy - đống quần áo trong tủ gỗ bốc khói - lúc cháu Th. không ở đó mà ở một căn phòng khác trong nhà. Chính nhà nghiên cứu này đưa ra lời giải thích về khả năng phát nguồn “hoả xà” của cháu Th.
Cũng nên nói thêm ý kiến của một “dị nhân”. Ông vận dụng lý lẽ gọi là “lý học phương đông”, cho rằng hiện tượng gây cháy của Th. là sự “cộng hưởng từ” và, do đó, có thể khử bệnh trạng của Th, bằng cách dán nhiều đĩa CD quanh người vì các đĩa này có các “rãnh từ” ….
Như vậy, nhiều trường phái khác nhau đã tiếp cận. Nhưng tựu trung chưa có một lý giải nào rõ ràng, có cơ sở khoa học tin cậy để làm sáng tỏ những bí ẩn liên quan đến hiện tượng được cho là hiện hữu trong cháu bé Th.
Một câu hỏi đặt ra, phải chăng các nhà nghiên cứu vào cuộc chưa đủ khả năng lý giải hiện tượng bí ẩn và độc đáo nói trên. Nếu vậy, chắc phải cần đến sự tham gia của các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu có các nhà khoa học giỏi và nhiều kinh nghiệm, có các thiết bị chuyên ngành hiện đại.
Nhưng, tại sao lại không làm sáng tỏ trước tiên một câu hỏi, một nghi vấn về sự “tồn tại hay không tồn tại” của bản thân câu chuyện “khả năng gây cháy” ở cháu Th.
Thử soát lại trong tay các nhà nghiên cứu có những tư liệu? Những mẩu chuyện kể của người trong gia đình cháu Th.. Một số dấu vết của các vụ cháy còn lưu giữ. Tất cả chỉ có vậy. Tuyệt nhiên không có nhà báo nào, thậm chí nhà nghiên cứu nào trực tiếp chứng kiến các vụ cháy lớn nhỏ với sự có mặt tại nơi xảy ra cháy của nhân vật chính – cháu Th.
Vậy tại sao không bắt đầu từ cái gốc của vấn đề? Từ sự chứng kiến, khảo sát khách quan, bằng tai nghe mắt thấy, động tác gây cháy của Th. Ở thời buổi này, có rất nhiều cách thực hiện với các phương tiện hiện đại theo dõi trong thời gian dài, ở nhiều tình huống khác nhau, mà nhân vật chính vẫn ở trạng thái tự nhiên như lúc bình thường trước đây trong gia đình, để có thể tự nhiên phát "lửa Tam muội", "hoả xà".
Không làm như thế thì các nghiên cứu, khảo cứu, lý giải v.v... mất nhiều công sức, tiền bạc, biết đâu chỉ là trò đuổi bắt cái bóng của mình, hay như chuyện bịt mắt sờ đuôi tìm voi vậy .M. Trần