Luật Giao dịch điện tử không còn theo kịp thực tiễn
Ngày 23/6/2020, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo chuyên đề “Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề "Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử”. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, qua gần 15 năm triển khai Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định quy định, sửa đổi và văn bản hướng dẫn trong các hoạt động tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử, ngân hàng và chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
"Luật và các văn bản dưới Luật đã đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, cải cách hành chính", Thứ trưởng đánh giá.
Trong đó, thời gian qua, việc triển khai hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử cũng đã đạt được một số kết quả khả quan.
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT&TT), Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220.000 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động. Các giao dịch kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử đều được ký số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các giao dịch.
Thống kê của Sách trắng Thương mại điện tử 2019 cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 đạt khoảng 7,8 tỷ USD, bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.
Dù vậy, sau gần 15 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ những bất cập, điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển như: Thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi.. dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống; Thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ, một số quy định Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đến nay đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc ứng dụng đa dạng các giải pháp, công nghệ nhằm số hóa dịch vụ ngân hàng.
Cụ thể, quy định hiện tại chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chưa rõ ràng về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử, đồng thời thiếu quy định về giao kết và hợp đồng điện tử.
“Quy định hiện tại không mô tả rõ ràng định nghĩa chữ ký điện tử cũng như chưa có hướng dẫn thỏa mãn điều kiện về tính pháp lý của chữ ký điện tử. Ngoài ra theo Luật Giao dịch điện tử, có hai mức độ chữ ký điện tử: cơ bản và chữ ký điện tử bảo đảm an toàn, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng về trường hợp sử dụng các mức độ chữ ký điện tử. Điều này dẫn đến việc ứng dụng chữ ký điện tử trong thực tế còn chưa khả thi như mong muốn”, ông Dũng cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với một số bộ ngành, địa phương để tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Giao dịch điện tử.
Hội thảo “Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử” cùng với hội thảo chuyên đề “Các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, trung gian và giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế tài chính” dự kiến được Bộ TT&TT tổ chức ngày 2/7 tới để tiếp tục công tác tổng kết Luật.
“Để Báo cáo tổng kết, đánh giá Luật Giao dịch điện tử được chất lượng, phản ánh đúng thực tế, tôi đề nghị các đại biểu và các diễn giả tập trung tổng kết, đánh giá, làm rõ các nội dung của Luật cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị.
Luật sửa đổi cần chú trọng vào phát triển đồng bộ, bền vững
Đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trước ngưỡng cửa cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của nền kinh tế số tại Việt Nam, chữ ký điện tử (chữ ký số) hiện là một trong những công cụ đắc lực nhất cho phục vụ chuyển đổi số.
Do đó, khuôn khổ pháp lý về chữ ký điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán số cần hướng đến hai tiêu chí là tập trung vào bối cảnh xung quanh công đoạn ký, làm rõ được danh tính, ý định ký và thao tác thêm chữ ký vào thông điệp dữ liệu của chủ thể; cùng với đó cân đối giữa rủi ro của giao dịch điện tử và tiện ích, chi phí đối với các chủ thể tham gia giao dịch.
Các diễn giả tham gia tọa đàm tại hội thảo chuyên đề “Giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử”. |
Còn theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chữ ký số nói riêng và chữ ký điện tử nói chung cần được mở rộng về phạm vi ứng dụng và quy mô xác thực quốc tế, khi hiện chữ ký số công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, chưa xác thực chéo được với hệ thống chứng thực chữ ký số quốc tế và các nền tảng phổ biến. Điều này cũng gây khó khăn trong giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
“Hiện chưa có giải pháp liên thông giữa RootCA quốc gia và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc tế. Các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến để xác thực như chứng thực SSL của CA trong nước còn hạn chế do không được các nền tảng phổ biến công nhận. Ngoài ra chữ ký số trong nước chưa hỗ trợ ký hợp đồng điện tử được với doanh nghiệp không có giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, cũng là một hạn chế hiện nay”, ông Lê Đức Anh cho hay.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đề xuất, sau 15 năm áp dụng Luật Giao dịch điện tử, cần phải chú trọng thật sự vào phát triển đồng bộ, bền vững để bứt phá, tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 đang được Chính phủ và toàn dân kỳ vọng.
Đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA), cần có chiến lược và quy hoạch đảm bảo về chất lượng và độ tin cậy cao, chi phí hợp lý, mức độ phổ cập rộng. Do đặc thù đảm nhiệm được vai trò là hạ tầng pháp lý của giao dịch điện tử, công nghệ với độ tin cậy cao, với hệ thống tiêu chuẩn đầy đủ cả về pháp lý và kỹ thuật, đã sẵn sàng là con dấu của tổ chức, doanh nghiệp và chữ ký của cá nhân ở mọi mức độ ứng dụng của giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, cần phân định rõ ràng khả năng kiểm định độc lập (chứng cứ độc lập) với hệ thống khởi tạo giao dịch điện tử về khía cạnh pháp lý và kỹ thuật cho các tiêu chí: Đảm bảo toàn vẹn dữ liệu điện tử; Chống chối bỏ hành vi đối với dữ liệu điện tử; Định danh điện tử; Xác thực điện tử. Áp dụng cho các giao dịch điện tử có rủi ro tranh chấp cao như Thuế, hải quan, ngân hàng, chứng khoán, thương mại điện tử, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, lưu trữ điện tử.
“Ngoài ra, cũng cần Phân định điều kiện để đảm bảo an toàn cho chữ ký số ở mức độ cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp theo trách nhiệm pháp lý của từng đối tượng”, ông Tuấn Anh đề nghị.
M.T
Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các CSDL quốc gia dân cư, đất đai
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5/2020, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ: Công an, Tài nguyên và Môi trường tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.